Khởi đăng từ ngày 8-7-2023 đến bài dự thi sau cùng là số báo ra ngày 22-6-2024, cuộc thi "Lòng tốt quanh ta" lần thứ 2, năm 2023-2024 đã nhận được sự hưởng ứng, nhiệt tình tham gia của đông đảo bạn viết trên cả nước.
Khắp mọi miền đất nước
Hơn 40 tác phẩm được chọn đăng cũng khắc họa chân dung những tấm gương điển hình, những tập thể, cá nhân đã hết mình vì cộng đồng, đóng góp sức mình cho xã hội tốt đẹp hơn. Nhân vật trong các bài báo rất đa dạng, sinh sống khắp mọi miền Tổ quốc, từ người nữ cựu tù Côn Đảo hiện hưu trí tại TP HCM bán nhà làm việc thiện đến cụ ông lương y ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội dù đã qua tuổi 90 vẫn miệt mài với việc cứu người và nữ bác sĩ 82 tuổi ở Trung tâm Hy Vọng (quận Ba Đình, TP Hà Nội) chữa bệnh, khắc phục khiếm khuyết cho gần 60 em nhỏ khuyết tật.
Đó là cựu chiến binh 81 tuổi ở Hà Nội 25 năm vận động hơn 1.500 người hiến máu; là cựu chiến binh 66 tuổi khắc tinh tội phạm ở Hà Nội. Đó là những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, như vợ chồng đại úy công an ở Hà Nội nhiều lần hiến máu; là cán bộ Đoàn Thanh niên Công an huyện Sơn Tây lo bữa cơm cho học sinh nghèo vùng cao Quảng Ngãi; là nhà báo miệt mài làm từ thiện, giúp những mảnh đời khốn khó, dấn thân vào vùng dịch trong những ngày dịch hoành hành ở TP HCM…
Là những kiều bào, doanh nhân trong nước, những người có điều kiện kinh tế khá giả hơn đôi chút ở miền Trung, miền Nam sẵn sàng giúp người nghèo có bữa cơm ngon, áo mặc, có chỗ ở qua việc xây tặng căn nhà. Là những chàng trai ở Huế và Quảng Ngãi, cô gái ở Hà Nội, dù tật nguyền nhưng vượt qua mặc cảm thân phận, đứng ra vận động quyên góp tiền của giúp người nghèo khó, khuyết tật vươn lên.
Là những chàng trai, cô gái ở Hà Nội lập nhóm tình nguyện cứu người "Những thiên thần bóng đêm", những chàng trai, cô gái ở TP HCM lập biệt đội chuyên diệt rác cho những dòng kênh. Là những người làm chuyện ít người làm nhưng lại rất thiết thực, như thầy giáo ngoài giờ lên lớp đi bán vé số lấy tiền lời giúp người nghèo hay những thanh niên rảnh rỗi là đi vá đường giúp người dân đi lại dễ dàng hơn…
Đó là đôi vợ chồng nông dân ở Phú Yên làm việc thiện, là cô Hồng ở Đồng Nai lập mái ấm nuôi người già yếu, không nơi nương tựa. Đó là người mẹ ở TP HCM từng có con mất vì ung thư, đã dành trọn thời gian chăm lo cho các bệnh nhi bằng tất cả tâm nguyện, công sức. Là những người đàn ông có vẻ ngoài phong trần và người thành đạt, có địa vị xã hội tại TP HCM lại cùng nhau đứng bếp nấu cháo từ thiện tặng người nghèo…
Việc tốt từ tâm
Rất nhiều tấm gương sáng, những bông hoa đẹp của vườn hoa nhân ái. Những lòng tốt đâu cũng gặp, trong cuộc sống này, quanh chúng ta hằng ngày. Chân dung họ hiện trên mặt báo với những câu chuyện xúc động về tình người cao quý - cho đi một cách tự nguyện, không đòi nhận lại bất cứ điều gì…
Đáng trân trọng biết bao tấm lòng người nữ cựu tù Côn Đảo, bà Lê Thị Tâm (còn gọi là bà Mười Đào) ở quận Phú Nhuận, TP HCM đã bán căn nhà của mình, mua 14 tấn gạo ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt, dành hơn nửa lương hưu hằng tháng để giúp đỡ thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Với bà, còn sống là còn tri ân anh hùng liệt sĩ.
Với tình yêu môi trường, chàng trai Nguyễn Lương Ngọc - Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh - đã tập hợp được hàng trăm bạn trẻ dọn rác tại TP HCM suốt hơn 1 năm rưỡi qua. Họ nói mình không giàu có về tiền bạc, chỉ có sức trẻ và tinh thần cống hiến nên lập ra nhóm này. Họ đã 170 lần ra quân, làm sạch khoảng 140 con kênh, thu gom khoảng 1.800 tấn rác, 45 tấn nhựa. Họ mong muốn xanh biển, xanh rừng và xanh ý thức của người dân.
Một người đàn bà nghèo khó, trong túp lều dột nát bên sông Hồng, có ai ngờ đã có 40 năm vớt xác trên dòng sông này. Tác giả Vũ Minh Phúc với bài viết "40 năm vớt xác trên sông Hồng" khắc họa chân dung bà Nguyễn Thị Bình có lúc đi dọc sông mấy tháng liền với chiếc cào móc, "có hôm bà đi vớt xác, không ai nhận mặt, bà đem xác lên bờ, khâm liệm, xin đất, xây cho họ một nấm mồ".
Nhóm bạn trẻ tại TP HCM đem tiếng hát xoa dịu nỗi đau, qua 7 năm hoạt động, nhóm "Hát để sẻ chia" đã quyên góp được hơn 2 tỉ đồng để đóng viện phí cho bệnh nhi tại 3 bệnh viện ở TP HCM. Nguyễn Đỗ Trúc Phương, cô gái ở TP HCM hết lòng làm thiện nguyện. Cô quyên góp được hơn 10 tỉ đồng trong 3 năm, giúp đỡ hơn 100 trường hợp khó khăn và hướng đến những dự án xây trường học, trạm y tế cho vùng cao, vùng sâu. Với Trúc Phương, khi cho đi là nhận lại tình thương, động lực, sự cổ vũ rất lớn để tiếp tục hành trình…
Lan tỏa tích cực đến cộng đồng
Những tấm gương sáng luôn lan tỏa và lay động lòng người. Suốt 18 năm qua, giữa vùng quê ấp Rạch Bảy (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) có một mái ấm cưu mang các cụ già neo đơn, bệnh tật không nơi nương tựa, đó là "Mái ấm" của cô Hồng" trong bài viết của tác giả Lệ Giang. Không có lòng nhân sẽ không thể có chuyện đùm bọc, nuôi nấng 81 cụ già không phải là người thân thích, trong đó có 45 cụ bị liệt, việc chăm sóc sẽ rất nhọc nhằn.
Tương tự là vợ chồng "Ông Tư lục tỉnh xây nhà cho người nghèo" trong tác phẩm của tác giả Vũ Thị Phương Anh. 21 năm qua, ông Trương Văn Kiềm ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cùng đội của mình đã dựng gần 600 căn nhà ở miền Tây Nam Bộ cho người nghèo có chỗ an cư. Với ông Tư Kiềm, liều thuốc tốt nhất là làm việc thiện, giúp đời làm lẽ sống.
Còn với nữ nhà báo Đan Hà, nhân vật trong bài viết "Dòng sông đỏ mải miết chảy vì người" của tác giả Lương Gia Cát Tường, không tiếc tiền của để giúp đỡ đồng bào trong đại dịch COVID-19. Nhà báo Đan Hà đã cùng góp công sức nấu 36.475 suất ăn cho bác sĩ; hơn 10.000 suất cháo cho bệnh nhi và bà bầu F0, cùng hàng trăm tấn hàng đến với người dân TP HCM trong mùa dịch COVID-19 vừa qua.
"Người mẹ của bệnh nhi ung thư" của tác giả Chung Thanh Huy khắc họa một chân dung đẹp của phụ nữ Việt Nam. Từng có con bị ung thư rồi mất, chị Phạm Nguyệt Linh quay lại bệnh viện với những suất ăn cho bệnh nhi như con mình ngày nào. Xúc động biết bao câu chuyện bệnh nhi tâm sự với chị là thèm ăn nui xào thịt bò. Chị gật đầu, định bụng sẽ nấu riêng cho con. Hôm sau, khi đưa suất ăn vào phòng bệnh thì chị mới hay cậu bé vừa mất. Chị được các nhà hảo tâm tiếp sức để xây nhà lưu trú cho thân nhân người bệnh, tổ chức sinh nhật cho các bé và đau đáu chuyến xe 0 đồng đưa các bé về quê sau khi rời cõi tạm.
Còn "Vợ chồng nông dân làm việc thiện" ở Phú Yên của tác giả Phan Văn Lương, bắt đầu từ nồi cháo tình thương cho người già, trẻ em ở huyện Sông Hinh, duy trì suốt 7 năm qua nhờ sự góp sức của các con và người thân. Sau đó, được các nhà hảo tâm hỗ trợ, ông mở rộng hình thức: xây nhà tình thương, khoan giếng, tặng xe lăn cho người khuyết tật, trợ cấp khó khăn thường xuyên, mở cửa hàng 0 đồng… Với vợ chồng người cựu chiến binh này, vui nhất là hỗ trợ kịp thời, đúng địa chỉ…
Cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta" cho thấy sống đẹp là truyền thống, là đạo lý của người Việt. Mạch nguồn sống đẹp vẫn trào dâng, tuôn chảy trong dòng đời hối hả hôm nay.
Nữ nhà báo Đan Hà tâm sự: "Dịch bệnh khốc liệt, tính mạng con người ngàn cân treo sợi tóc, giữ tiền để làm gì, em chỉ mong góp phần làm cho dịch bệnh mau kết thúc, cuộc sống trở lại bình thường".
Trong những vụ hỏa hoạn mới đây tại Hà Nội, người dân thấy bóng dáng các nhân vật trong bài viết "Những thiên thần bóng đêm" của tác giả Duy Hoa, hết mình cứu người. "Tôi làm công việc cứu hộ này vì tôi biết rằng bạn sẽ giúp đỡ những người khác khi họ gặp nạn và trong đó có thể có người thân của tôi" - anh Phạm Quốc Việt, sinh năm 1987, người sáng lập và Đội trưởng Đội FAS Angel, cho biết. Hơn 4 năm qua đã có 17.000 người gặp nạn được FAS Angel giúp đỡ, cứu hộ.
Bình luận (0)