Quy trình đánh thức bán đảo Bình Quới - Thanh Ða (quận Bình Thạnh - TP HCM) đã dần được hiện thực hóa qua việc các cơ quan chức năng TP HCM gấp rút triển khai thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Ða.
Giữa thành phố phồn hoa này thật khó có mảnh đất nào đẹp đẽ, hấp dẫn như bán đảo Bình Quới - Thanh Ða. Nó được bao quanh bởi sông Sài Gòn trù phú, mát mẻ quanh năm. Có diện tích 427 ha, lớn hơn cả quận 4 và mật độ dân số rất thấp, chỉ khoảng 16.000 dân, đây là một ốc đảo xanh hiếm hoi và rất thuận lợi để quy hoạch thành khu dân cư - công viên đô thị hiện đại.
Bình Quới - Thanh Ða được ví là "hồng nhan bạc phận", bởi xinh đẹp, hấp dẫn nhưng lại long đong suốt bao nhiêu năm. Hơn 30 năm trước, Bình Quới - Thanh Ða được quy hoạch thành khu du lịch - văn hóa - giải trí nhưng rồi 10 năm sau đó quy hoạch này vẫn chưa thể thực hiện. Năm 2004 dự án được giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn nhưng rồi do năng lực yếu nên đến năm 2010 phải thu hồi dự án. Tiếp đến, liên doanh giữa một doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài tiếp nhận dự án nhưng rồi tiếp tục ách tắc và bán đảo Bình Quới - Thanh Ða cho đến nay vẫn là viên ngọc chưa được mài giũa.
Câu chuyện Bình Quới - Thanh Ða khó có thể kéo dài hơn nữa, vì càng kéo dài cũng đồng nghĩa chúng ta lãng phí nguồn tài nguyên đất đai đầy tiềm năng trong bối cảnh thành phố đang cần quỹ đất lớn để phục vụ các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Hiện nay, Bình Quới - Thanh Ða là điểm đến du lịch hấp dẫn của người dân. Các tuyến búyt đường sông cũng chọn nơi đây làm bến để người dân thưởng ngoạn cảnh sắc sông nước hữu tình, khí hậu tươi mát. Vị trí mảnh đất này càng đắc địa khi lối vào đường bộ tiếp giáp với Quốc lộ 13 đi Bình Dương, phía Tây cách con sông là Quốc lộ 52 đi Ðồng Nai và mặt khác tiếp cận đường Phạm Văn Ðồng.
Dõi theo Bình Quới - Thanh Ða nhiều năm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn từng nhận định: Bình Quới - Thanh Ða dù chỉ là một bán đảo nhưng quy hoạch phải nhìn trong tổng thể phát triển sông Sài Gòn, đặt trong chiếc lược phát triển đến năm 2030-2050. Do đó, phải đặt ra vấn đề liên kết với trung tâm hiện hữu, nối ra biển, nối về Bình Dương, Ðồng Nai, với tuyến sông Sài Gòn... Gắn với định hướng dài hạn đó thì TP HCM sẽ đạt mục tiêu tái hiện đô thị gắn với sông nước, mang bản sắc sông nước, đem lại giá trị rất lớn cho TP HCM cũng như toàn vùng Ðông Nam Bộ.
Bởi quá hấp dẫn, quá độc đáo nên những ý tưởng xây dựng đô thị tầm trung nhanh chóng lạc hậu với những tiềm năng và lợi thế mà vùng đất này có được. Hiện nay, chúng ta đã đánh giá đúng giá trị to lớn của mảnh đất này, khi tiếp cận với những bản quy hoạch quốc tế để Bình Quới - Thanh Ða trở thành một phần quan trọng trong tổng thể quy hoạch chung của TP HCM. Chắc chắn trong kế hoạch tăng trưởng 2 con số của thành phố sẽ có một chương trang trọng dành cho bán đảo Bình Quới - Thanh Ða.
Bình luận (0)