Sân khấu cải lương và kịch nói trong năm 2022 có nhiều vai hài mang lại hiệu ứng tích cực, giảm bớt sự căng thẳng của vở diễn. Những tiếng cười châm biếm này được kỳ vọng góp phần điều chỉnh thói hư tật xấu trong xã hội.
Cải lương: Nhiều vai hài sâu sắc
Cặp đôi Hoàng Minh Vương - Kim Thùy là hiện tượng lạ trong vở cải lương "Ngược gió" (Nhà hát Trần Hữu Trang), khi nhân vật ông Bảy Nê và bà Huệ tung hứng tiếng cười đầy duyên dáng khiến người xem thích thú.
Hoàng Minh Vương - Kim Thùy không chỉ diễn "ra" vai tính cách mà còn sống thật với số phận nhân vật. Bà Huệ mê nghề hát, từng đổ vỡ chuyện tình nên rất sợ ai theo đuổi. Ông Bảy Nê thương bà, chấp nhận mọi hành hạ, hắt hủi của bà. Giữa tiếng cười lẩy lên được sự chia sẻ, vỡ òa hạnh phúc khi 2 trái tim gắn kết cùng nhau trước bao biến cố.
Cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang" năm 2022 chỉ có một nghệ sĩ tham gia hạng mục kép hài. Vai ông Tám trong "Không bán tình em" qua cách thể hiện duyên dáng của Thanh Đông đã mang lại tiếng cười tươi mới cho nhân vật này. Không chỉ bám chặt vào tình huống để triển khai tiếng cười, anh còn vận dụng khả năng ca cổ, giúp vai diễn sinh động hơn.
NSƯT Hoài Linh và nghệ sĩ Việt Hương trong vở “Lạc giữa biển người”
Nghệ sĩ hài Dũng Nhí năm nay có vai Chương Hầu (vở "Tiếng trống Mê Linh") xuất sắc. Anh thể hiện nhân vật từ sự khám phá những chi tiết rất đắt trong tính cách một kẻ hám lợi danh, chấp nhận làm nô lệ cho Thái thú Tô Định, phản bội lại niềm tin của nghĩa quân Mê Linh. Vở diễn kinh điển và vai Chương Hầu từng được nhiều nghệ sĩ đàn anh thể hiện. Đó là áp lực lớn khiến Dũng Nhí phải "động não" tìm cách khai mở diện mạo mới cho vai diễn và đạt được thành công.
Kịch nói: Sắc sảo, duyên dáng
Nghệ sĩ Việt Hương và danh hài Hoài Linh đã nỗ lực rất lớn khi mang lại tiếng cười trong nước mắt hạnh phúc cho số phận ông Tài và dì Năm (vở "Lạc giữa biển người"). Hai nhân vật này đã mang về cho 2 nghệ sĩ những tấm huy chương vàng cá nhân tại Liên hoan Sân khấu kịch nói năm 2022.
Hoài Linh vẫn diễn tỉnh queo, "quăng" miếng hài sắc sảo; còn Việt Hương trong ồn ào, náo nhiệt với cá tính "thẳng như ruột ngựa" lại có những khoảnh khắc lắng đọng làm khán giả rơi nước mắt. Hai nhân vật đối nghịch nhau nhưng đều sống nghĩa tình, để con cháu và người trẻ trong xóm lao động nghèo phải xem sự sẻ chia là hàng đầu, giữa biển người mênh mông cần giữ gìn 2 chữ nhân nghĩa.
Trong vở "Nắng chiều" của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - Quốc Thảo tại Sân khấu Quốc Thảo, bộ ba nghệ sĩ Quốc Thảo - Lê Giang - Linh Tý đã khiến khán giả khóc cười theo câu chuyện đầy xúc động. Vai hài của họ là tâm điểm chú ý cho những khán giả mê đắm tiếng cười có số phận, chịu nhiều nghịch cảnh nhưng biết biến khó khăn thành động lực vươn lên.
Nghệ sĩ Lê Giang rời sàn diễn kịch quá lâu, nay quay lại vẫn đầy nội lực, làm khán giả vừa khóc vừa cười trước những nỗi niềm của bà Tám bán bánh phồng. Nghệ sĩ Quốc Thảo vẫn giữ được phong độ khi thể hiện vai ông Ba Hoài Hương - người luôn nhã nhặn, khiêm nhường, hy sinh tất cả cho con trai và luôn yêu đời, giàu nghị lực. Còn Linh Tý tạo dấu ấn đậm nét với vai ông Bảy - một nghệ sĩ đã giải nghệ, muốn con gái mình nối nghiệp một cách tử tế. Ba nghệ sĩ vừa diễn, ca bài bản cải lương vừa hát "dần lân", múa vũ đạo… khiến khán giả thích thú.
Trên sân khấu Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (5B), nghệ sĩ Chánh Trực và Tô Thiên Kiều có 2 vai diễn đáng yêu trong chùm kịch "Sướng quá xuân". Chánh Trực tỏa sáng trong vở "Giã từ thần men" - câu chuyện đả phá nạn pha chế rượu giả, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, "gãi đúng chỗ ngứa" những gia đình có người thân lỡ "ghiền hơi men". Qua thủ pháp dàn dựng nhẹ nhàng, Chánh Trực đã tạo được nhiều tình huống hài, đưa những vấn đề thời sự vào kịch, tạo hiệu ứng tích cực mang tính châm biếm sâu sắc, duyên dáng qua vai diễn của mình.
Với nghệ sĩ Tô Thiên Kiều, chị đã mang lại làn gió mới trong cách tạo tiếng cười theo kiểu náo kịch trong vở "Sui gia đối đầu". Mỗi khi chị xuất hiện là khán phòng nóng lên, khán giả cười và suy ngẫm trước những thông điệp lên án lòng tham, bất chấp tình nghĩa để thu lợi nhuận.
Trong khi đó, NSƯT Hữu Châu với vai ông Hai Hậu Giang (vở "Lẩu trăn" phiên bản mới, diễn trên Sân khấu IDECAF) đã tạo thêm dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp chuyên diễn những vai già của anh. Nhờ nội lực thâm hậu cộng với kinh nghiệm làm chủ các tuyến kịch, vai của Hữu Châu đã tạo nên sắc diện mới cho một vở cũ nhưng vẫn còn được công chúng yêu thích qua phiên bản năm 2022.
Bình luận (0)