Nguyên nhân một phần đến từ số lượng trung tâm dữ liệu ngày càng tăng khắp nước, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Mỹ hiện có khoảng 2.700 trung tâm dữ liệu, phần lớn được vận hành bởi các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon, Microsoft, Meta, Apple... Theo Viện Nghiên cứu năng lượng điện (Mỹ), số cơ sở này dự kiến tiêu thụ 9% tổng lượng điện ở Mỹ vào năm 2030, so với mức 4% của năm 2022 - vốn đã khiến mạng lưới điện đất nước căng thẳng.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng AI chỉ mới bắt đầu gia tăng. Đáng chú ý, một truy vấn dành cho công cụ ChatGPT sử dụng lượng điện cao gần gấp 10 lần một truy vấn tìm kiếm thông thường trên internet.
Theo Công ty McKinsey & Co. (Mỹ), một trung tâm dữ liệu có thể tiêu thụ lượng điện tương đương 80.000 ngôi nhà ở Mỹ.
Chuyên gia Amanda Peterson Corio của Công ty Google (Mỹ) nhận định với đài CBS News rằng trong thập kỷ tiếp theo, những nhu cầu như trên tiếp tục gia tăng. Điều thách thức thực sự là làm thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu này vừa đạt được các mục tiêu khí hậu đề ra.
Google cho biết lượng khí thải của họ làm nóng hành tinh tăng thêm 13% vào năm ngoái và tăng gần 50% kể từ năm 2019. Mặc dù đầu tư mạnh vào năng lượng gió và mặt trời, Google hiện chỉ có thể sử dụng năng lượng sạch trong 64% thời gian hoạt động.
Khi không có nắng và gió, các trung tâm dữ liệu vẫn phải dựa vào nhiên liệu hóa thạch, góp phần gây biến đổi khí hậu. Điều này thôi thúc các công ty công nghệ nỗ lực bổ sung nguồn điện sạch cho lưới điện.
Google lên kế hoạch vận hành toàn bộ cơ sở dữ liệu của họ trên thế giới bằng năng lượng sạch, trong đó có năng lượng địa nhiệt của Công ty Fervo Energy (Mỹ), với mục tiêu chấm dứt sử dụng than và khí đốt vào năm 2030.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, năng lượng địa nhiệt hiện chiếm chưa đến 1% sản lượng điện tại nước này. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Tim Latimer của Fervo Energy tin rằng con số này có thể tăng lên đến 20%.
Bình luận (0)