Mới đây, sau khi có phản ánh của một du khách đến từ TP HCM, Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba (TP Huế) đã tiến hành phạt và đình chỉ buôn bán 1 tháng đối với một tiểu thương ở chợ này vì đã có hành vi "chặt chém", bán hàng không đúng giá, không niêm yết giá.
Du khách này cũng đã được BQL chợ Đông Ba khen thưởng 500.000 đồng vì đã báo tin đúng người, đúng cơ sở vi phạm.
Trước đó, ngày 16-1-2024, BQL chợ Đông Ba đã có thông báo và quy định trao số tiền thưởng là 500.000 đồng cho tiểu thương hoặc du khách khi phản ánh đúng người, đúng cơ sở với những trường hợp bán hàng nói thách, không đúng giá. Các trường hợp vi phạm, BQL sẽ tiến hành đình chỉ và thu phạt theo quy định.
Thời gian qua, tình trạng "chặt chém", "hét giá" từ những gánh hàng rong, chợ cho đến hàng quán, thậm chí là nhà hàng, cơ sở kinh doanh được cho là "cao cấp", có uy tín, nhất là tại các điểm đến du lịch hấp dẫn, nổi tiếng, diễn ra khá thường xuyên. Không ít du khách lên tiếng, phản ứng thì bị người bán đe dọa, thậm chí hành hung.
Ai cũng biết bất kỳ hành vi hay biểu hiện "chặt chém" nào bị lan truyền trên mạng xã hội sẽ tạo sự bất an, e ngại cho du khách khi lựa chọn, dù điểm đến đó có tuyệt vời, tiện nghi, tiện ích đến đâu.
Trong khi đó, việc xử lý các hành vi "chặt chém", bán không đúng giá đối với du khách không khó nếu cơ quan chức năng, chính quyền mỗi địa phương triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp và quyết liệt hơn đối với các hành vi vi phạm này.
Nhanh chóng vào cuộc và xử lý một cách quyết liệt, kiên quyết như cách làm của BQL chợ Đông Ba khi có phản ánh, tin báo của khách du lịch sẽ giúp hạn chế đến mức thấp nhất hình ảnh xấu xí này.
Ngoài chế tài, việc khen thưởng bằng tiền mặt, vật chất đối với các tin báo phản ánh đúng sự thật, đúng đối tượng cũng là cách khuyến khích du khách giám sát, mạnh dạn phản ánh đến cơ quan chức năng để việc quản lý có hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm kích cầu và thu hút khách du lịch, nhất là đối với du khách nước ngoài đến với Việt Nam, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm, bổn phận của mỗi người dân, mỗi điểm buôn bán, kinh doanh.
Mỗi người dân, mỗi gánh hàng rong, cơ sở kinh doanh… là một "đại sứ" để tiếp thị, quảng bá du lịch, hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam.
Làm sao để du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài, cảm nhận được sự an toàn, thân thiện và mến khách tại các điểm đến để quay lại thường xuyên hơn, chi tiêu, mua sắm nhiều hơn. Đó mới chính là đích đến, sự thành công của nền công nghiệp du lịch nước nhà.
Bình luận (0)