Thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Chính phủ, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động người hưởng các chế độ BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến nay, đã có khoảng 78% số người hưởng tại khu vực đô thị nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM, tăng 14% so với năm 2023, vượt 18% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg.
Riêng tại TP HCM, hiện có 77,12% trong tổng số gần 259.766 người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân, tăng khoảng 5,54% so với năm 2023.
Mặc dù kết quả đạt được rất đáng khích lệ nhưng vẫn còn một bộ phận người hưởng hưu, trợ cấp BHXH e ngại, chưa thực hiện đăng ký nhận chi trả chế độ qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Cao Thị Nhung (64 tuổi, ngụ tại TP HCM) cho biết mặc dù đã được tuyên truyền về việc mở tài khoản ngân hàng để nhận lương hưu hàng tháng nhưng đến nay bà vẫn nhận lương hưu hàng tháng trực tiếp tại UBND phường. Lý do là bà không rành công nghệ, không sử dụng điện thoại thông minh. Khi đi chợ hay chi trả các chi phí khác bà Nhung chủ yếu dùng tiền mặt. Do vậy, nếu nhận lương hưu qua tài khoản thì bà cũng phải ra ngân hàng hoặc cây ATM rút tiền ra để dùng. Song, so với nhận trực tiếp, việc ra ngân hàng hay rút tiền tại cây ATM đối với bà Nhung là phiền phức, thậm chí tốn thời gian hơn nhận trực tiếp.
Tương tự, các cử tri ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng việc chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng chính sách bằng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng còn bất cập. Một trong những bất cập đó là khi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng, người hưởng hưu, trợ cấp BHXH sẽ bị trừ phí khi thực hiện rút tiền, chuyển khoản… dẫn đến cùng đối tượng nhưng giữa nhận trực tiếp (không bị trừ chi phí chuyển tiền ngân hàng) và nhận qua tài khoản số tiền thụ hưởng khác nhau. Cử tri kiến nghị cho phép các đối tượng chính sách, người hưởng hưu được nhận tiền mặt hoặc ngân hàng không thu phí đối với các đối tượng chính sách .
Phản hồi kiến nghị cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết tại Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25-11-2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng quy trình và hướng dẫn các địa phương thực hiện triển khai nhiệm vụ chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì để nghiên cứu các giải pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện việc chi trả lương hưu, tiền hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng một cách phù hợp đảm bảo sự thuận tiện cho các đối tượng thụ hưởng, cũng như bảo đảm thực hiện mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Về kiến nghị không thu phí đối với đối tượng chính sách, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao cơ quan này chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, phí dịch vụ trung gian thanh toán hợp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, ưu tiên áp dụng đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận trợ cấp an sinh xã hội.
Bình luận (0)