Cuối năm 2023, khi doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về đơn hàng, chị Nguyễn Thị Cúc (SN 1986, ngụ tỉnh Bình Dương) đã quyết định rút BHXH một lần. Vào thời điểm nghỉ việc, chị Cúc đã làm công nhân (CN) gần 17 năm.
Giải quyết khó khăn trước mắt
Chị Cúc tính toán: Với mức đóng tại thời điểm nghỉ việc, nếu tham gia hơn 30 năm, lương hưu của chị chỉ đạt hơn 3 triệu đồng/tháng, không đủ để trang trải cuộc sống. "Sau khi nhận xong tiền BHXH, tôi sẽ xin việc làm tại một công ty gần nhà. Năm nay tôi mới 36 tuổi, nếu bắt đầu tham gia lại từ đầu, tôi vẫn đủ thời gian để tích lũy cho lương hưu sau này" - chị Cúc nói.
Lo lắng của chị Cúc cũng chính là trăn trở của anh Lê Thành Đạt (ngụ tại quận 7, TP HCM). Hai vợ chồng anh là CN tại KCX Tân Thuận, đến nay đã tham gia BHXH được 15 năm. Theo Luật BHXH sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 7-2025), những người đã đóng BHXH từ 15 năm trở lên có thể nhận lương hưu. Tuy nhiên, do mức đóng ban đầu khá thấp nên hai vợ chồng lo lương hưu không đủ sống.
Nếu rút BHXH một lần ở thời điểm này, vợ chồng anh sẽ nhận được khoảng 200 triệu đồng - một khoản tiền có thể giúp họ đầu tư kinh doanh để cải thiện cuộc sống. "Tôi hiểu rằng sau khi rút BHXH một lần, toàn bộ thời gian đóng BHXH trước đó sẽ không được bảo lưu. Thế nhưng, cuộc sống hiện tại quá khó khăn nên chúng tôi cần một khoản tiền để lo cho gia đình" - anh Đạt cho biết.
Theo báo cáo mới nhất của BHXH Việt Nam, tình trạng người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần vẫn đang có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2024. Tính đến hết tháng 8-2024, đã có hơn 775.000 trường hợp được cơ quan BHXH giải quyết hưởng một lần, tăng 0,38% so với cùng kỳ năm 2023. Đa số NLĐ yêu cầu rút BHXH một lần thuộc khu vực ngoài nhà nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Nhiều người quay lại mạng lưới an sinh
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ ngày 1-1-2016 đến 31-8-2024, cả nước có trên 1,285 triệu người hưởng BHXH một lần nhưng sau đó quay lại tham gia BHXH. NLĐ rút BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, do tính chất công việc chịu áp lực… Nhóm tuổi rút BHXH một lần chủ yếu nằm ở độ tuổi từ 20 đến dưới 40, chiếm khoảng 78%. Nguyên nhân là do lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng BHXH đủ thời gian để được hưởng lương hưu.
Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng hiện nay là quy định về điều kiện hưởng lương hưu theo Luật BHXH 2014 quá dài, lên tới 20 năm. Dù Luật BHXH sửa đổi đã rút ngắn thời gian này còn 15 năm nhưng độ tuổi nghỉ hưu lại tiếp tục tăng, tạo ra những rào cản lớn cho NLĐ trong việc tích lũy và hưởng chế độ hưu trí.
Trong khi đó, họ đối mặt với nhiều nhu cầu tài chính do lập gia đình, mua nhà và chăm sóc con cái. Luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, phân tích thêm: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu và thực tế cuộc sống của NLĐ. Mức hỗ trợ không đủ để giúp họ duy trì cuộc sống ổn định trong quá trình tìm kiếm việc làm mới, khiến nhiều người buộc phải rút BHXH một lần.
Không ai khác ngoài NLĐ hiểu rõ được hoàn cảnh của mình khi quyết định rút BHXH một lần. Tuy nhiên, khi rời khỏi thị trường lao động, áp lực càng đè nặng lên họ khi rơi vào tình cảnh không việc làm và không được hưởng bất cứ chế độ gì. Nhận ra hệ lụy này, không ít người tìm cách quay lại thị trường lao động.
Như trường hợp chị Lê Thị Ngọc Châu, CN cũ của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM). Sau khi hưởng BHTN và quyết định rút BHXH một lần, chị quyết định tìm việc làm mới để có thể tiếp tục tham gia BHXH ở tuổi 36. "Nếu có chỗ nhận vào làm, tôi vẫn kịp bảo đảm 15 năm để hưởng lương hưu theo luật mới, đỡ lo lắng khi về già" - chị Châu nói.
Đối với NLĐ, việc NLĐ hưởng BHXH một lần sau một năm nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến việc tích lũy quá trình đóng góp cần thiết để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, làm giảm cơ hội được hưởng lương hưu khi về già" - PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), nói.
Bình luận (0)