Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động sau sự việc một chủ thẻ tín dụng của Eximbank ở Quảng Ninh phát sinh giao dịch 8,5 triệu đồng nhưng nhận được thông báo dư nợ tới hơn 8,8 tỉ đồng sau gần 11 năm, nhiều người đã hốt hoảng liên hệ các ngân hàng (NH) để kiểm tra tài khoản và đóng các loại thẻ không còn sử dụng.
Phí thường niên cũng bị tính lãi
Chị Lê Thị Diệp - ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM - cho biết cách đây 1 năm, nhân viên một NH đến tận nhà làm thủ tục mở thẻ tín dụng và thông báo chị được miễn phí thường niên trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, người này không nói những năm tiếp theo sẽ tính thế nào, cũng không giải thích nếu có nợ quá hạn thì lãi, phí là bao nhiêu.
Sau một năm sử dụng với một lần giao dịch và đã trả hết nợ, mới đây chị Diệp nhận được tin nhắn nợ thẻ tín dụng 2 triệu đồng, yêu cầu thanh toán với số tiền tối thiểu 100.000 đồng trước ngày 26-3. Lập tức, chị liên hệ với NH phát hành thẻ mới biết số tiền nợ này là do NH thu phí thường niên.
"Khi mở thẻ, tôi quên hỏi mức phí thường niên của năm thứ 2. Nếu lúc đó biết mức phí là 2 triệu đồng, có thể tôi đã không đồng ý mở. Phải chăng do phí cao, nhân viên NH ngại khách hàng từ chối mở thẻ nên cố tình lờ đi?" - chị Diệp đặt vấn đề.
Phí thường niên cũng là câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thẻ tín dụng những ngày qua. Bởi phí thường niên của từng dòng thẻ và từng hạn mức giao dịch sẽ dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Đặc biệt là phí này được tính vào dư nợ hằng tháng của chủ thẻ, nếu chủ thẻ quên hoặc lờ đi vẫn bị NH tính lãi và đưa vào diện nợ xấu.
"Tôi từng phải trả 1,9 triệu đồng phí thường niên để đóng tài khoản thẻ tín dụng dù chưa phát sinh giao dịch năm thứ 2. Năm đầu tiên trường học của con gái liên kết với một NH mở thẻ tín dụng cho phụ huynh để ưu đãi học phí. Đến năm thứ 2 tôi không có nhu cầu, đi đóng thẻ mới biết phải trả gần 2 triệu đồng phí thường niên" - chị Ngọc Khanh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) kể.
Anh Lê Việt Dũng (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM; chủ thẻ tín dụng của một NH ở TP HCM) cho biết đã thanh toán hết dư nợ vào cuối 2023 nhưng hằng tháng anh vẫn phải trả phí nhận sao kê 30.000 đồng được NH gửi đến nhà bằng đường bưu điện.
"Số tiền không lớn nhưng nếu thư bị lạc hoặc tôi quên đóng sẽ bị NH tính lãi, phạt rất cao. Vì thấy bất tiện và không an toàn sau vụ việc chủ thẻ nợ 8,8 tỉ đồng ở Quảng Ninh nên tôi quyết định đến NH yêu cầu tất toán, hủy bỏ thẻ tín dụng" - anh Dũng nói.
Tốn cả triệu đồng tiền phí để đóng thẻ
Đáng chú ý, trong những ngày qua, không chỉ chủ thẻ tín dụng mà cả những người dùng thẻ ATM, thẻ ghi nợ cũng "ngã ngửa" sau khi phát hiện thẻ không sử dụng nhiều năm vẫn bị NH tính đủ loại phí.
Anh Dương Hải (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết tài khoản Eximbank được anh mở để nhận lương nhưng vài năm nay không sử dụng vì cơ quan chuyển sang trả lương tại NH khác.
"Tôi đi đóng tài khoản mới biết phải trả gần 600.000 phí quản lý tài khoản, dù số dư tài khoản đã về 0 đồng và không phát sinh giao dịch nào trong vài năm qua. NH vẫn ghi nợ phí này, muốn đóng tài khoản phải trả hết phí nợ" - anh Hải nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, trong biểu phí của Eximbank có khoản phí tài khoản tiền gửi thanh toán không kỳ hạn 10.000 đồng/tháng (thu khi số dư bình quân trong tháng dưới 300.000 đồng). Điều này nghĩa là khi khách hàng không sử dụng và tài khoản dưới 300.000 đồng, mỗi tháng NH sẽ trừ phí 10.000 đồng. Không chỉ Eximbank, một số NH khác cũng thu phí quản lý tài khoản. Tuy nhiên, chính sách thu phí của mỗi NH khác nhau.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 18-3, rất nhiều người đã đến các phòng giao dịch, chi nhánh của các NH để kiểm tra và đóng các loại thẻ, tài khoản không còn sử dụng vì sợ phát sinh nợ.
Chị Ngọc Yến (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết chị mất một ngày để đi hết các NH đã mở thẻ để kiểm tra và đóng những tài khoản không còn sử dụng. Tại Agribank, nhân viên nói sau 6 tháng thẻ ATM của chị không phát sinh giao dịch nên NH đã tự động khóa tạm thời; BIDV cũng tự động khóa tạm thời sau 12 tháng không phát sinh giao dịch…
Các NH khác như Sacombank, VietinBank cũng cho biết đã "đóng băng" tài khoản của chị khi số dư về 0 đồng và không phát sinh giao dịch từ 12 tháng trở lên.
Trao đổi với phóng viên, đại diện các NH Agribank, BIDV, Sacombank, VietinBank… xác nhận khi tài khoản thanh toán của khách hàng còn 0 đồng và không phát sinh giao dịch từ 12 tháng, NH sẽ "đóng băng" tài khoản để không vào thống kê và không phát sinh thêm phí quản lý tài khoản.
Cần kiểm soát các loại phí, trần lãi suất
Liên quan đến phí dịch vụ thẻ NH, thực tế hầu hết chủ thẻ ATM có số dư trong tài khoản từ vài triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng để thanh toán. Điều đó có nghĩa NH đã huy động được số tiền gửi khá lớn từ hàng triệu khách hàng với chi phí rất thấp, vì chỉ trả lãi suất 0,2% - 0,5%/năm. Trong khi đó, NH có thể dùng số tiền này để cho vay ngắn hạn với lãi suất cao hơn rất nhiều.
Ngoài ra, NH còn thu nhiều khoản phí đối với tài khoản thanh toán từ phí quản lý, phí nhận tin nhắn thông báo thay đổi số dư (vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/tháng, tùy số lượng tin nhắn), phí rút tiền tại máy ATM từ 1.000 - 3.000 đồng/lần giao dịch, phí thường niên…
Một số chuyên gia cho rằng việc thu quá nhiều loại phí như vậy khiến lợi ích của chủ thẻ và NH không hài hòa. Các NH nên xem xét giảm bớt các mức phí để bảo đảm hài hòa lợi ích cho các bên, khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán.
"Tài khoản 0 đồng sau nhiều năm mà vẫn bị thu phí, trong khi khách hàng không hề hay biết, cũng không nhận được thông báo, đến khi kiểm tra hoặc đóng tài khoản mới "ngã ngửa" là chưa sòng phẳng. Đã đến lúc cần có quy định để điều chỉnh các loại phí này" - một chuyên gia tài chính nhận định.
Về việc tính lãi suất thẻ tín dụng lên tới 8,8 tỉ đồng của chủ thẻ ở Quảng Ninh, dù chưa biết đúng sai thuộc về ai nhưng luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng không nên để các NH tự quyết mức lãi suất cho vay, đặc biệt là cho vay tiêu dùng. Bởi theo Bộ Luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Khi cộng thêm lãi suất quá hạn thì cũng không được quá 30%/năm.
Còn theo Bộ Luật Hình sự, trường hợp cho vay với lãi suất trên 100% thì phạm tội cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, những mức trần lãi suất này không áp dụng đối với ngành NH. Ngành này chỉ bị điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng, do vậy NH có thể cho vay với lãi suất 100%, thu lãi quá hạn 150%/năm và đặc biệt tính lãi nhập gốc ra con số rất lớn nhưng không bị xem là cho vay nặng lãi.
Cụ thể, trường hợp thẻ tín dụng Eximbank, có thể họ áp dụng lãi suất kép, cộng gộp, cộng dồn, nhập lãi vào gốc hay thường gọi là "lãi mẹ đẻ lãi con", tính theo từng tháng nên việc nhảy từ 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỉ đồng là hoàn toàn có thể, nếu áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn khoảng 70%/năm.
"Việc khách hàng phải chịu chi phí lãi suất, lãi phạt và các loại phí như thế nào sẽ được thỏa thuận trong hợp đồng cho vay hay sử dụng thẻ. Tuy nhiên, nhiều khi khách hàng không đọc hoặc có đọc cũng không hiểu. Do vậy, đã đến lúc phải sửa đổi luật, áp dụng thống nhất quy định về lãi suất cho vay đối với mọi thành phần kinh tế, cao thì cùng cao, thấp thì cùng thấp, bình đẳng, hợp lý, hợp tình" - luật sư Trương Thanh Đức nói.
Thu cả phí khóa tài khoản?
TPBank cho biết trong trường hợp tài khoản của khách hàng không phát sinh giao dịch nhưng không khóa/đóng tài khoản sẽ có phí tài khoản sau 6 tháng liên tục không hoạt động (5.000 đồng/tháng). "TPBank sẽ không thu khi tài khoản 0 đồng. Chính sách thu phí thay đổi theo từng thời kỳ và đến thời điểm hiện tại, NH áp dụng chỉ thu phí của kỳ liền trước đó (5.500 đồng) đối với tài khoản không hoạt động trên 6 tháng" - đại diện NH này nói.
Bình luận (0)