Ngày 15-12, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Đây cũng là buổi họp đầu tiên của Tổ Chuyên gia tư vấn xây dựng Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM sau khi được thành lập theo Kết luận 49 năm 2023 của Bộ Chính trị.
Huy động nguồn vốn đủ lớn
Tại phiên họp, thành viên hội đồng tư vấn, tổ chuyên gia đã thảo luận về Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết theo quy hoạch, thành phố có khoảng 220 km đường sắt đô thị. Quy hoạch này đã có gần 20 năm. Riêng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) với gần 20 km từ khâu chuẩn bị triển khai đến nay đã 15-16 năm.
"Nếu làm theo cách này, khâu chuẩn bị chúng ta cần 5-7 năm, xây dựng cũng 5-7 năm thì 200 km còn lại có lẽ cần 50-70 năm, thậm chí 100 năm. Đó là việc không thể chấp nhận" - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Ông thông tin vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận 49, đặt ra mốc thời gian đến năm 2035, thành phố cơ bản hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để TP HCM dựa vào Nghị quyết 98 xây dựng Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị với cơ chế mới, trình Bộ Chính trị, sau đó trình Quốc hội để triển khai.
Về tiến độ đề án, UBND TP HCM nỗ lực hoàn thiện để trình Thành ủy, HĐND thành phố trong đầu năm 2024 trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, đưa vào chương trình nghị sự tại kỳ họp giữa năm.
Về cơ chế, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay địa phương chỉ còn 12 năm để hoàn thiện cơ bản mạng lưới đường sắt đô thị 220 km. Do đó, phải có cách làm khác với dự án metro số 1. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn đủ lớn cũng như thuận lợi về thủ tục đầu tư…
Nêu nội dung dự thảo đề án, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM cho biết mục tiêu thực hiện 200 km metro đến năm 2035 là hoàn toàn khả thi nếu tiếp cận theo tư duy mới, cách đi mới thật sự đột phá cùng một khung pháp lý mới trên cơ sở những bài học kinh nghiệm trong nước và thế giới. Cũng theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM, 6 cơ chế đặc thù được đề xuất trong đề án để hiện thực hóa mục tiêu trên là về quy hoạch, bồi thường, thu hồi đất, cơ chế tài chính, quản lý dự án đầu tư…
Tính toán kỹ, phối hợp tốt
TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Tổ trưởng Tổ Chuyên gia - nhìn nhận trong 12 năm tới, TP HCM làm 200 km đường sắt là một thách thức vô cùng lớn. Thành phố cần một quyết tâm chính trị rất cao và quan trọng là sự hỗ trợ của trung ương về cơ chế, chính sách. Theo ông, sự sáng tạo, đột phá trong chính sách là một đòi hỏi, yếu tố quan trọng.
Với kinh nghiệm dày dạn nghiên cứu về đô thị trong nước và thế giới, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng thực hiện mục tiêu trên rất khó khăn, nhất là từ thực tế thực hiện tuyến metro số 1 mất đến 15-16 năm.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng cần quan tâm đến chính sách ưu đãi nhà đầu tư cũng như đẩy mạnh phân cấp "trọn gói" cho TP HCM, Hà Nội trong thực hiện các tuyến metro.
Bên cạnh đó là tính hiện đại, đồng bộ cũng như chiến lược về phát triển nhân sự phát triển đường sắt và vận hành, quản lý đường sắt.
Vị chuyên gia khuyến nghị nên dùng tuyến metro số 1 làm điểm để nghiên cứu lại tất cả điểm nghẽn. Ông lưu ý làm metro không chỉ cho TP HCM mà là phát triển ngành công nghiệp metro của quốc gia. Vì thế, việc chọn công nghệ phải rất cẩn thận để sau này áp dụng chung một công nghệ cho cả nước.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng chỉ ra một vấn đề. Đó là khi dự án metro hoàn thành đưa vào sử dụng thì cũng mới đi được 1/4 chặng đường. Các chặng đường còn lại là phát triển hệ thống giao thông kết nối, thương mại, thu hút người dân, doanh nghiệp đến sinh sống, sản xuất - kinh doanh… thì mới mang lại lợi ích theo mô hình TOD.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định phải thay đổi cách thức thì mới làm được. Còn nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng khi xây dựng đề án phải sâu sắc, toàn diện và tính khả thi cao.
Đồng thời, phải nhìn ra được những tồn tại, phân tích nguyên nhân, giải pháp để có những cơ chế, chính sách phù hợp kiến nghị trung ương. Quan trọng nữa, việc tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND TP HCM và trung ương.
Trước đó, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 tổ chức tại TP HCM, ngày 26-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với việc xây dựng đề án tổng thể phát triển đường sắt đô thị TP HCM, trên cơ sở đó huy động nguồn vốn lớn để hoàn thiện. Thủ tướng cho rằng đề án tổng thể sẽ giúp rút ngắn quy trình, bớt lãng phí thời gian, thủ tục hành chính.
Sức thuyết phục từ những dự án thành công
Đối với việc triển khai Nghị quyết 98 trong năm 2024, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị hội đồng tư vấn tập trung nhóm các đề án, dự án, công trình cụ thể. Ông dẫn dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Trung tâm Tài chính quốc tế, việc phát triển đường sắt đô thị... và nói nếu triển khai thành công thì có sức thuyết phục rất lớn.
Song song đó, hội đồng tư vấn cần nghiên cứu hình thức quản trị phù hợp. Qua đó, xác định việc thực hiện Nghị quyết 98 không chỉ tạo ra giá trị vật chất từ những công trình, dự án cụ thể mà hướng đến sau 3-5 năm thí điểm tại TP HCM sẽ nhân rộng ra áp dụng cho cả nước. Đồng thời, từ Nghị quyết 98 nâng cấp lên để có những nghị quyết hay khung pháp lý toàn diện hơn, phù hợp cho quản trị đô thị đặc biệt TP HCM.
Bình luận (0)