Ngày đầu tiên đặt chân xuống sân bay Pudong, Thượng Hải, chạm mặt một thành phố ồn ào, náo nhiệt và rộng lớn, tôi bị choáng ngợp. Với chiếc vali nặng trịch và vốn tiếng Trung chỉ dừng lại ở "nǐ hǎo", tôi bắt đầu làm quen với hệ thống metro - phương tiện di chuyển chính của tôi trong những ngày ở đây.
Hiện đại và văn minh
Ga Anshan Xincun thuộc tuyến metro số 8 là nơi xuất phát quen thuộc trong những ngày ở Thượng Hải. Lần đầu tiên đứng trước chiếc máy bán vé tự động, tôi như đứng trước một bức tường thành với những ký tự Trung Quốc xa lạ. Ngón tay lơ lửng trước màn hình cảm ứng mà không biết phải chạm vào đâu. Xung quanh, dòng người qua lại vội vã, ai nấy đều có vẻ rất quen thuộc với hệ thống này.
Một cậu nhân viên mặc đồng phục xanh lá cây đã nhận ra sự bối rối của tôi. "Can I help you?" - giọng cậu mà tôi thấy ấm áp - nhẹ nhàng vang lên. Quả là cứu cánh. Với sự giúp đỡ của cậu, tôi mua cái vé metro đầu tiên - một mảnh giấy nhỏ màu xanh có giá trị trong vòng 180 phút kể từ khi kích hoạt.
Theo thống kê của Shanghai Metro, có tới 72% du khách nước ngoài như tôi gặp khó khăn trong lần đầu sử dụng hệ thống. Nhưng chỉ sau hai ngày, tôi đã cảm thấy quen thuộc. Hệ thống này được thiết kế thân thiện với người nước ngoài (biết tiếng quốc tế: Anh ngữ). Ga nào cũng có biển chỉ dẫn tiếng Anh. Nếu trẻ và giỏi, bạn có thể dùng MetroMan, ứng dụng metro, hỗ trợ tới tám thứ tiếng thông dụng trên thế giới. Chú ý thêm: Thượng Hải có đến 18 tuyến metro, dài trên 800 cây số, đủ để bao phủ toàn bộ thành phố - đi dâu cũng tới.

Trên một con tàu của hệ thống Metro Thượng Hải
6 giờ 30 sáng, tiếng chuông báo thức vang lên. Tôi chuẩn bị để lên chuyến tàu đầu tiên trong ngày. Ra ga Anshan Xincun thì đã thấy dòng người như thác đổ về. Họ bước nhanh, nhưng trật tự. Y như ở Tokyo, Nhật Bản. Tuyến số 8 - Anshan Xincun là một ga - chạy dọc thành phố với tần suất 2 phút/chuyến lúc 6 giờ 30 sáng là giờ cao điểm. Theo một nghiên cứu của Đại học Giao thông Thượng Hải, vào buổi sáng cao điểm, mỗi toa metro chở trung bình 310 hành khách.
Hai ngày đầu, tôi như một đứa trẻ con học cách tồn tại trong thế giới metro. Đó là đứng đúng vạch vàng trong khi chờ tàu, không chen lấn; nhường ghế cho người già hơn tôi, phụ nữ mang thai và trẻ con.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất là hệ thống thông báo tự động bằng tiếng Anh khá rõ: "Next station: People's Square. Transfer to Line 1, Line 2 and Line 8." Giọng nữ nhẹ nhàng, phát âm chuẩn quả thật đáng tin cậy. Mỗi khi nghe thấy, tôi lại cảm thấy an tâm hơn trong chuyến đi khắp thành phố mới này.
Băng chuyền không ngủ
Những buổi sáng trên tàu điện ngầm dần trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống của tôi ở Thượng Hải. Rồi học được cách tranh thủ đọc sách, hay đơn giản là quan sát cuộc sống thường nhật của người dân địa phương qua những chuyến đi. Có lẽ chính sự đều đặn, chính xác và hiệu quả của hệ thống metro đã giúp tôi nhanh chóng hòa nhập vào nhịp sống hối hả của Thượng Hải.
Từ ngày thứ ba ở thành phố này, tôi bắt đầu đi những tuyến metro xa hơn. Như tuyến số 2, được xem là tuyến vòng tròn dài nhất thế giới (60 cây số ) đưa tôi đến với Tháp truyền hình Đông Phương. Đó là chưa kể, tàu Maglev từ Longyang Road ra sân bay Pudong, với tốc độ 430km/h - kỷ lục thế giới đối với tàu thương mại.

Tháp Truyền hình Đông Phương Minh Châu về đêm
Bên cạnh đó, tôi còn phát hiện ra rằng thẻ giao thông tích hợp (gọi là "Shanghai Public Transportation Card") có thể dùng cho cả metro, xe bus lẫn taxi. Nhưng đi Didi (giống Grab Car ở TPHCM với giá rẻ, chỉ bằng 2/3) thì cũng dễ và khá nhanh chóng. Và các ga lớn như Nanjing East Road có cả trung tâm mua sắm ngầm.
Nhưng không phải lúc nào chuyện cũng suôn sẻ. Một lần, tôi lên nhầm hướng tàu ở ga trung chuyển Century Avenue phải đi thêm 40 phút mới quay lại được. Một lần khác, tôi suýt bỏ lỡ chuyến tàu cuối lúc 23 giờ 30.

Đường hầm dẫn đến Metro
Tuy vậy, những chuyện trên giúp tôi hiểu thêm là phải luôn luôn kiểm tra hướng tàu trước khi lên. Nên có thêm ứng dụng "MetroMan" để theo dõi lộ trình. Cần có cả tiền lẻ phòng khi cần mua vé gấp. (Họ dùng tiềng xu khá nhiều chớ không phải chỉ các ứng dụng trả tiền "ảo" WeChat, Alipay.)
Chỉ sau hai ngày, tôi đã có thể nhận ra một số ga qua kiến trúc đặc trưng. Không những thế, tôi còn có thể giúp đỡ những du khách như tôi khi mới tới đây. Metro Thượng Hải không đơn thuần là phương tiện đi lại. Đó là mạng lưới giao thông tiện lợi và được cho là thông minh tầm thế giới (theo xếp hạng của UITP năm 2023). Cũng có thể xem nó là biểu tượng cho sự phát triển của thành phố này.
Đối với tôi, hệ thống Metro Thượng Hải là người bạn đồng hành không thể thiếu trong những ngày ở đây, giúp tôi - một người nước ngoài không biết tiếng Trung - cảm nhận được nhịp đập của thành phố này. Trong thế giới phẳng - thiệt, rào cản ngôn ngữ không tạo ra giới hạn. Và đã xuất hiện những ứng dụng dịch thuật đơn giản bằng giọng nói. Chỉ cần chút xíu nỗ lực, chút xíu can đảm. Có thể ngay từ những chuyến tàu điện ngầm - đúng là ngầm, với máy lạnh chạy rất tốt - nối liền mọi ngõ ngách của Thượng Hải, một thành phố xa lạ lúc ban đầu.
Thân thiện, mến khách
Metro Thượng Hải không chỉ là hệ thống giao thông tiện lợi, hiện đại và thân thiện với người nước ngoài - có biển báo tiếng Anh. Đó còn là nơi người Thượng Hải sẵn sàng giúp đỡ khách lạ. Từ nhân viên làm nhiệm vụ ở nhà ga biết tiếng Anh (396 ga!) cho đến người địa phương không giỏi tiếng Anh. Vậy nên hệ thống metro - 18 đường - có thể là bạn đồng hành, giúp du khách vượt qua rào cản ngôn ngữ - người ta thường chỉ nói tiếng Trung, và có thể hòa nhập vào nhịp sống Thượng Hải. Metro, đi đâu cũng tới ở thành phố này! Có thể xem đây như bài học cho TP HCM….
Bình luận (0)