Do đó, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh (Đề án 1 triệu ha) để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, An Giang đã trở thành địa phương tiên phong tích cực tham gia.
Để phát triển vùng lúa chất lượng cao, Đề án 1 triệu ha đưa ra 5 tiêu chí về vùng sản xuất, sản xuất lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh, doanh nghiệp (DN) liên kết sản xuất - tiêu thụ và HTX tham gia.
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh đang có lợi thế về những tiêu chí này. "Trước mắt, An Giang sẽ đăng ký 200.000 ha tham gia đề án. Trong đó, riêng Tập đoàn Lộc Trời đã chiếm 50% diện tích; số còn lại là các vùng chuyên sản xuất giống, chuyên canh lúa nếp xuất khẩu…" - ông cho biết.
An Giang đang có khoảng 30.000 ha sản xuất lúa giống với 20 DN tham gia liên kết và hơn 5.000 hộ dân. Tập đoàn Lộc Trời đang gắn kết chặt chẽ với nông dân và mở rộng vùng nguyên liệu tại An Giang lên đến 110.000 ha. Năm 2023, Tập đoàn Tân Long cũng đã ký thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất lúa gạo trên diện tích 15.000 ha với An Giang... Đây là những điều kiện thuận lợi để An Giang triển khai đề án.
Hợp tác sản xuất với doanh nghiệp, nông dân sẽ có lợi nhuận ổn định hơn
Nông dân An Giang cũng dần có niềm tin khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất vì được bảo đảm lợi nhuận. Ông Nguyễn Văn Đang (ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) thừa nhận: "Tôi làm lúa đã nhiều năm nhưng chỉ khi nào hợp tác sản xuất với DN thì mới có lợi nhuận ổn định. Nông dân đâu lo được giá cả, chỉ biết sản xuất nên nếu Đề án 1 triệu ha được triển khai thì bà con vững tâm hơn".
Dù An Giang có lợi thế về trồng lúa - sản lượng luôn thuộc hàng đầu cả nước - nhưng nông dân tỉnh này chưa làm giàu được từ lúa. Vì thế, nông dân cần thấy rõ Đề án 1 triệu ha có sự khác biệt thế nào. "Đề án phải tạo ra sự khác biệt, làm sao để nông dân thấy được lợi ích khi tham gia. Có như thế mới tạo được sức hút cho đề án" - ông Trần Anh Thư nhận định.
Theo Bộ NN-PTNT, đến năm 2030, diện tích vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL được quy hoạch trong đề án sẽ đạt 1 triệu ha, tương ứng 2 triệu ha gieo trồng, sản lượng khoảng 12,4 triệu tấn lúa (7,7 triệu tấn gạo). Tham gia đề án, lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng để Đề án 1 triệu ha lúa thực hiện thành công, cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN dễ dàng tiếp cận vốn, chính sách đất đai. Ngoài ra, cần sự đồng hành tham gia của các bên liên quan như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những hiệp hội ngành hàng… "Quỹ đất công của An Giang đã gần hết. Nếu không có chính sách đột phá, đặc thù thì việc liên kết chỉ dừng lại ở diện tích giới hạn, DN sẽ không đủ tiềm lực đầu tư nhà máy chế biến" - ông Lâm nhấn mạnh.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)