Đề án này giúp nâng cao mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và HTX, tránh việc cạnh tranh vùng nguyên liệu giữa các DN và góp phần giảm phát thải nhà kính. Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), nếu đề án thực hiện thành công sẽ làm tăng giá trị hạt gạo, lấy điều này làm đòn bẩy để xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải.
Biến lợi thế thành thành quả
Mục tiêu của đề án đến năm 2025, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL là 500.000 ha, đạt khoảng 3,8 triệu tấn gạo; năm 2030 đạt 1 triệu ha và sản lượng gạo đạt 7,7 triệu tấn. Qua đó, nâng cao thu nhập của người trồng lúa từ trên 35%-40%, giảm lượng lúa giống, giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, giảm phát thải khí nhà kính trên 10% (đến năm 2025) và 20% (đến năm 2030)...
Một trong những nhiệm vụ chính của đề án là sẽ xây dựng được thương hiệu “gạo phát thải carbon thấp”. Ảnh: NGỌC TRINH
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết diện tích mà 12 tỉnh, thành ĐBSCL đăng ký tham gia đề án này theo thống kê đến năm 2024 được khoảng 214.796.000 ha (trừ Bến Tre không tham gia do diện tích lúa ít). Đây là diện tích đã thực hiện dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" (VnSAT), do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Vì vậy, có rất nhiều thuận lợi khi thực hiện đề án vì nông dân tham gia dự án VnSAT đã thực hiện các quy trình sản xuất tốt như: 1 phải 5 giảm, 3 phải 3 tăng… nên bắt đầu từ năm sau, Việt Nam có thể bán tín chỉ carbon.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, đây là đề án chuyển đổi hệ thống canh tác ở ĐBSCL, chuyển đổi tư duy sản xuất của người trồng lúa từ sản xuất lúa chất lượng sang nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Qua nhiều hội thảo, đề án nhận được sự đồng thuận của các tổ chức quốc tế, ngân hàng là thuận lợi rất lớn. Khi thực hiện đề án sẽ giảm bớt việc cạnh tranh vùng nguyên liệu giữa các DN và góp phần giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hiệp Quốc.
"Không phải làm đề án này để bán tín chỉ carbon được 10 USD, 15 USD/tín chỉ, mà vấn đề chính là làm đề án thì giá trị hạt gạo sẽ tăng lên. Thương hiệu gạo giảm phát thải sẽ tăng giá trị, khác các loại gạo kia, nên phải biến lợi thế này thành thành quả, lấy thế này xây dựng thương hiệu gạo" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
WB khẳng định đây là dự án lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới, nếu Việt Nam thực hiện thành công thì WB sẽ nhân rộng sang các nước khác. Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cũng cho rằng đề án được coi là mô hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới, qua đó sẽ thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của đối tác quốc tế về nguồn lực tài chính, khoa học - công nghệ trước những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực.
Theo quan điểm của PGS-TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đề án này là cụ thể hóa những chương trình hành động và những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Vì vậy, trong đề án cần nhấn mạnh rõ điều này vì có tính thực tiễn cao, khả năng về tài chính cũng rõ ràng hơn.
Doanh nghiệp cần vốn
Điểm khác biệt của đề án so với các dự án trước đây về ngành hàng lúa gạo là giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất bằng việc rơm, rạ được di chuyển khỏi đồng ruộng để tái sử dụng, chế biến. Tuy nhiên, thói quen của nông dân là hay đốt đồng để nhanh chóng xử lý rơm, rạ.
"Để xử lý gốc rạ, người dân thường đốt rơm do không còn cách nào khác, vì không đốt thì không thể nào nhanh chóng đưa diện tích đất vào khai thác vụ mới. Vì vậy, cần ứng dụng sinh học vào đồng ruộng, làm sao nhanh chóng phân hủy được gốc rạ mới là giải pháp căn cơ" - ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, đề xuất.
Trong khi đó, bà Hồ Thị Tuyết Vân, Giám đốc Khối Thương mại Công ty CP Nông sản Lộc Trời, phản ánh hiện các công ty sản xuất - kinh doanh gạo xuất khẩu chưa tiếp cận được nguồn vốn để thu mua lúa vì ngân hàng chưa chấp nhận giải ngân với hình thức thế chấp bằng lúa.
Bên cạnh đó, tiền vốn đầu tư cho sản xuất 1 triệu ha lúa không nhiều, tương đương khoảng 1 tỉ USD/năm, tạo ra lợi nhuận khoảng 1,5 tỉ USD/năm nhưng lại chưa có DN nào có thể tiếp cận được nguồn vốn này để tổ chức sản xuất hiệu quả.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, thông tin công ty ông không có nợ xấu nhưng không có đủ vốn để mở rộng vùng liên kết phục vụ cho xuất khẩu. Vì vậy, ông Bình đề nghị khi xây dựng đề án này thì DN, HTX hay những ai thực hiện làm vùng nguyên liệu phải được vay vốn.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, đừng xem đề án này là của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT mà là của tất cả mọi người để từ đó có sự cộng hưởng, thực hiện hiệu quả. Từ việc tích cực trao đổi, đóng góp thống nhất các nội dung, chỉ tiêu và giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện, khi đề án được Chính phủ thông qua và tổ chức thực hiện sẽ góp phần nâng cao thu nhập và vị thế cho người trồng lúa.
Tăng sản lượng từ 5%-10%
Sản xuất lúa gạo gây tác động đến môi trường do mức độ phát thải CH4 lớn (một loại khí nhà kính). Tại Việt Nam, sản xuất lúa gạo đóng góp 12% tổng lượng khí thải CH4 và 1,5% khí nhà kính. Dự báo phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến năm 2030 là 112,16 triệu tấn CO2 tương đương. Vì vậy, việc triển khai đề án trên không chỉ cải thiện quản lý nước mà còn tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào (giống, phân bón và thuốc trừ sâu) để giúp nông dân giảm chi phí, tăng sản lượng từ 5%-10%.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)