Dẫn chúng tôi đi sâu vào vườn dừa hơn 1 ha đang cho trái, ông Nguyễn Hoàng Giang (ngụ xã Hòa Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) bày tỏ: "Giá vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đang tăng cao. Trong khi đó, giá dừa và các sản phẩm từ dừa lại xuống thấp. Vì vậy, chúng tôi mong chờ nhà nước xem dừa là cây công nghiệp, bởi đây là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân Bến Tre. Chính phủ nên có chính sách để đầu tư, phát triển dừa như cây công nghiệp quốc gia. Nếu điều này thành hiện thực thì đời sống người dân trồng dừa sẽ được nâng lên".
Thời gian qua, trái dừa và các sản phẩm từ dừa ở Bến Tre liên tục giảm giá khiến người trồng gặp nhiều khó khăn.Ảnh: NGỌC TRINH
Bà Nguyễn Thị Mười (ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết địa phương từng có "vua dừa" là ông Đỗ Thành Thưởng - người đã tìm ra các giống dừa nổi tiếng thế giới. Những năm gần đây, giá dừa giảm mạnh. Do đó, người trồng rất kỳ vọng cơ quan chức năng sớm công nhận đây là cây công nghiệp quốc gia để giá dừa và các sản phẩm từ dừa được nâng giá trị, giúp bà con có thêm thu nhập.
Ngành NN-PTNT tỉnh Bến Tre đã có kế hoạch cụ thể khôi phục và phát triển vườn dừa, đặc biệt là chương trình gắn kết với các doanh nghiệp, nông dân để hình thành vườn dừa hữu cơ nhằm nâng cao giá trị loại cây này. Trong đó, Bến Tre chú trọng hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị dừa.
Toàn tỉnh đã có 32 tổ hợp tác, 28 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa có quy mô 6.404 ha, với gần 7.000 thành viên. Diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên tới 17.187 ha, chiếm 22% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Ngoài ra, Bến Tre đang xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, trong đó 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, Sở NN-PTNT cũng đã phối hợp xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô 20.000 - 22.000 ha dừa trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri. Mới đây, cử tri Bến Tre đã kiến nghị Bộ NN-PTNT nên có chính sách để đầu tư, phát triển dừa như cây công nghiệp quốc gia.
Ông Huỳnh Quang Đức cho biết Bến Tre đã có kế hoạch phát triển thêm ít nhất 13 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm dừa, nâng tổng số HTX trong chuỗi này đến năm 2025 là 37.
Tới đây, ngành NN-PTNT sẽ chú trọng xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa người dân với doanh nghiệp một cách vững chắc; tổ chức sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; đẩy mạnh hợp tác quốc tế qua thông tin quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong canh tác theo hướng sản xuất an toàn, bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra, gắn kết ngành dừa với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ khác nhằm tạo giá trị tăng thêm cho loại cây này.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)