Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho rằng phần lớn các HTX ở ĐBSCL làm dịch vụ cung ứng đầu vào sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), các dịch vụ phục vụ sản xuất còn ít và chủ yếu là dịch vụ tưới tiêu. Tỉ lệ sản phẩm nông sản được tiêu thụ qua HTX cũng rất thấp nên khó tổ chức cho thành viên HTX và hộ nông dân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ cao, là các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ như: tín dụng, khoa học - công nghệ, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ rủi ro thiên tai dịch bệnh... thì HTX nông nghiệp khó tiếp cận.
Phát triển HTX bền vững giúp thu nhập của nông dân tăng lên nhiều lần .Ảnh: NGỌC TRINH
Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kỳ Như (Hậu Giang), nói rằng sản phẩm cá thát lát của HTX đạt chuẩn OCOP 4 sao và để được nâng lên 5 sao thì cần mở rộng nhà xưởng và dự kiến xây dựng trên quỹ đất hiện có. Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi quỹ đất này đang "vướng" do không có nguồn vốn, nếu chuyển đổi thì mất vốn và khó hoạt động. Vì vậy, bà Thùy đề xuất HTX được vay vốn bằng định mức hoặc cao hơn giá trị phần đất đang có để có nguồn vốn dễ dàng hoạt động hơn.
"Qua tìm hiểu một số HTX thành công trên cả nước, tôi thấy những HTX này đều gắn với doanh nghiệp (DN). DN tham gia liên kết chặt, góp vốn, điều hành và tham gia trong cả chuỗi sản phẩm của HTX. Nhiều HTX không có sự tham gia của DN một phần do góp vốn ban đầu lớn, cũng có thể từ phía HTX mà chúng ta chưa mổ xẻ, điều này cho thấy liên kết không chặt chẽ. Chính sách cho HTX rất nhiều nhưng dàn trải, manh mún, khó khả thi" - ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành nhận định rằng chỉ khi HTX phát triển thì tập trung đất sẽ lớn hơn, có điều kiện cho ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất; sản xuất theo chuỗi, nhất là gắn với thị trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để vượt qua nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính cạnh tranh của vùng ĐBSCL thì cần đặt sự phát triển HTX trong nội hàm cấu trúc chính kinh tế địa phương.
HTX không chỉ đơn thuần là vì kinh tế và phân chia lợi ích, mà còn hướng đến những giá trị cao hơn cho kinh tế nông nghiệp, chuỗi ngành hàng, giá trị gia tăng, kinh tế tuần hoàn… Đồng thời cần có cái nhìn toàn diện hơn và có những quyết sách đầu tư, quan tâm đúng mức đến HTX, trọng tâm là lấy người nông dân là chủ thể chính, vì lợi ích và sinh kế của người dân.
Các cơ quan chuyên môn, trường, viện, các cơ quan truyền thông cần chung tay hợp sức để tuyên truyền vận động, lan tỏa giá trị của HTX, phát triển HTX, nâng tầm kinh tế hợp tác vì sự phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp ĐBSCL.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)