Ngày 13-12, tại Sóc Trăng đã diễn ra hội nghị sơ kết kết quả thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2019-2022 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2023-2025
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 189 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao, vượt chỉ tiêu 2,9 lần so với kế hoạch.
Nhận định về mục tiêu và định hướng triển khai OCOP trong giai đoạn 2023-2025 của tỉnh, ông Lê Văn Đáng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết trong 3 năm sắp tới, toàn tỉnh sẽ phấn đấu để có ít nhất 200 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó 6-7 sản phẩm đạt 5 sao; củng cố, nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và xếp hạng.
Ưu tiên phát triển sản phẩm các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% là các chủ thể doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Ông Lê Văn Đáng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, trình bày tại hội nghị về những định hướng phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh
Theo ông Đáng, thời gian tới Sóc Trăng cần ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp điều kiện của địa phương; đẩy mạnh công tác truyền thông về OCOP trên các phương tiện truyền thông đại chúng, lồng ghép chặt chẽ giữa OCOP và tái cơ cấu nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì cho các sản phẩm nhằm tạo sức hấp dẫn cho mặt hàng; năm 2025 phải có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng trực tuyến, đặt mục tiêu mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hội đồng Đánh giá xếp hạng OCOP của tỉnh - đánh giá cao các kết quả về thực hiện chương trình OCOP mà Sóc Trăng đã đạt được.
Ông Nam đề nghị sắp tới các cơ quan, ban ngành địa phương cần phối hợp chặt chẽ từ thành phố cho đến các huyện, thị xã để cùng nhau triển khai kế hoạch, nội dung, nhiệm vụ giải pháp do UBND đề ra, tuyên truyền đến người dân các vùng huyện, xã, vùng sâu, vùng xa, để khai thác các loại sản phẩm tiềm năng.
"Đồng thời giúp người nông dân xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm của riêng mình, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến các sản phẩm của địa phương, đề xuất xây dựng trung tâm chuyên về trưng bày các sản phẩm OCOP để thu hút du khách đến tham quan, mua sắm"- ông Nam nhấn mạnh.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trao chứng nhận OCOP 4 sao cho các đơn vị
Dịp này, Hội đồng Đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng đã trao chứng nhận cho 53 sản phẩm thuộc các đơn vị doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã và các hộ kinh doanh thuộc chương trình OCOP trong năm 2022.
Bình luận (0)