Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang, cho biết trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh này đã áp dụng nhiều mô hình có mức tăng trưởng khá và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế.
Giảm diện tích trồng lúa
Chương trình phát triển nông nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai theo phương châm lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều hiệu quả, giảm dần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ; các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng, giá trị sản xuất được nâng lên.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang (bìa trái) cùng đoàn công tác do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đến thăm mô hình sản xuất cá tra 3 cấp ứng dụng công nghệ cao của một doanh nghiệp trên địa bàn
"Nét nổi bật là tỉnh đã tìm giải pháp tháo gỡ các "điểm nghẽn" phát triển, nhất là về thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, mời gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư lớn, từng bước giải quyết bài toán giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách"- ông Lâm chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo ngành nông nghiệp An Giang, trong phát triển kinh tế - xã hội của An Giang được đặt trong sự tương tác với các vùng miền cả nước, nhất là khu vực ĐBSCL. Tăng cường phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực để phát triển bền vững. Bên cạnh việc giảm dần diện tích trồng lúa, các địa phương cũng đã đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang.
An Giang cũng đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Kết luận số 81-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về "Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030". Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích lúa ở những vùng canh tác không hiệu quả, tạo giá trị sản xuất cao hơn gắn với nhu cầu thị trường. Khuyến khích phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khép kín trên các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh (lúa, cá, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi). Đầu tư hạ tầng phục vụ tái cơ cấu gắn với khuyến khích đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao.
Tăng cường liên kết vùng và hỗ trợ doanh nghiệp
Lãnh đạo ngành nông nghiệp An Giang cho rằng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh cũng đã nêu rõ việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp với phương châm "Thị trường hóa hoạt động nông nghiệp để ổn định đầu ra cho nông sản; công nghiệp hóa, công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng; dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa và cải thiện hiệu quả; nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững". Trong đó, cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL và các địa phương khác; triển khai Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của mỗi địa phương để cùng phát triển.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm (thứ 2 bên trái) và ông Trần Anh Thư (Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) giới thiệu giống xoài ở địa phương được xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Trong những năm qua, An Giang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung 3 nhóm sản phẩm là gạo - nếp, thủy sản và cây ăn quả, gắn với thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường năng lực dự báo, xúc tiến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, xây dựng chiến lược thị trường cho các sản phẩm nông sản chủ lực.
Còn nhiều dự án mời gọi đầu tư
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, hiện An Giang đã thu hút 60/241 dự án đăng ký đầu tư vào nông nghiệp, tổng số vốn 22.860 tỉ đồng, chiếm hơn 24,9% tổng số dự án và chiếm 36,52% tổng vốn đăng ký đầu tư toàn tỉnh. Giai đoạn 2015 – 2020, An Giang đã chuyển dịch diện tích trồng lúa sang cây trồng có giá trị cao hơn với 22.554 ha. Đến nay, có 70% diện tích trồng lúa chất lượng cao, 89,6% diện tích áp dụng "3 giảm, 3 tăng"; 47% áp dụng "1 phải 5 giảm". Từ đó giúp giá trị sản xuất bình quân trên 1ha năm 2020 đạt 192 triệu đồng (năm 2015 đạt 142,7 triệu đồng).
Bình luận (0)