Cụ bà tên T.T.C, ngụ tỉnh Trà Vinh, được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng chóng mặt, đau ngực, khó thở. Ngay sau khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, theo dõi tình trạng bệnh, cụ bà được chẩn đoán: thông liên nhĩ, tăng áp phổi, suy nút xoang, suy tim giai đoạn III.
Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định chụp mạch vành cho người bệnh bằng kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA, đo kháng lực phổi, đóng thông liên nhĩ bằng dù qua da và đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, tiến tới ổn định nhịp tim và làm giảm tiến triển suy tim, giảm nguy cơ đột tử, cải thiện sức khỏe cho người bệnh.
Ê-kíp điều trị cho cụ bà
Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe của cụ bà đã hồi phục rõ rệt. Những cơn đau đầu, chóng mặt, kèm mệt, xỉu không còn xuất hiện thường xuyên nữa. Nhịp tim, huyết áp ổn định hơn, sức khỏe cụ bà đang dần hồi phục và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo Ths.BS. Mai Công Lợi, Khoa Can thiệp nội mạch – Nội tim mạch của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, suy tim ở giai đoạn đầu chưa xuất hiện các triệu chứng, chất lượng sống của người bệnh không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn (khó thở ở mức độ III), người bệnh chỉ cần thực hiện các sinh hoạt hàng ngày cũng thấy mệt mỏi. Còn ở giai đoạn cuối của suy tim (khó thở ở mức độ IV), người bệnh không làm gì, chỉ nằm nghỉ ngơi cũng khó thở…
Để điều trị suy tim, tùy vào từng triệu chứng, giai đoạn và nguyên nhân, bác sĩ để có những phác đồ điều trị khác nhau, có thể kết hợp các loại thuốc hoặc phẫu thuật. Để việc điều trị suy tim mang lại hiệu quả, người bệnh cần có sự hợp tác với bác sĩ trong việc ăn uống, dinh dưỡng, chế độ sống khoa học, tái khám định kỳ.
Sức khỏe của cụ C. đang dần hồi phục
Bệnh suy tim có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Với những người đã mắc, cần tuân thủ điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ vì việc dùng thuốc sẽ giảm triệu chứng, giảm số lần nhập viện, tăng khả năng gắng sức, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Trường hợp cụ C. còn bị thông liên nhĩ, bệnh lý chiếm khoảng từ 5% đến 10% các trường hợp tim bẩm sinh. Đối với các trường hợp thông liên nhĩ không được điều trị triệt để, người bệnh sẽ dần dần có các triệu chứng lâm sàng, lâu dài biểu hiện các dấu hiệu của sự quá tải buồng tim phải như rối loạn nhịp nhĩ (tăng dần nguy cơ theo tuổi của người bệnh), tăng áp động mạch phổi và tăng sức cản mạch phổi, cuối cùng hậu quả tất yếu là dẫn đến suy tim xung huyết.
Nếu không điều trị sớm, thông liên nhĩ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng người bệnh. Hiện nay, phương pháp điều trị đang được áp dụng phổ biến cho bệnh lý này là bít lỗ thông liên nhĩ. Thủ thuật bít lỗ thông liên nhĩ là kỹ thuật tương đối phức tạp. Khi được chỉ định thực hiện kỹ thuật này, người bệnh cần tuân thủ đúng mọi hướng dẫn của bác sĩ để giảm nguy cơ tai biến, đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh.
Các bệnh lý tim mạch có thể được phòng ngừa nếu chúng ta nên duy trì lối sống khoa học, hạn chế ăn mặn, tập thể dục thường xuyên, uống thuốc theo chỉ dẫn, giảm căng thẳng. Đồng thời nên đi kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ hàng năm để phát hiện sớm những bất thường của cơ thể và có phương pháp điều trị kịp thời.
Bình luận (0)