Theo Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Khánh Hòa, tỉnh này là một trong 3 địa phương có lượng căn hộ du lịch (condotel) cao nhất nước với 30 dự án. Riêng TP Nha Trang có 17 dự án với khoảng 15.000 phòng. Hiện nay, lượng phòng condotel còn rất lớn, nhiều chủ đầu tư đang phải bán tháo.
Khách hàng lo ngại
Ông Nguyễn Văn Thiện (ngụ TP HCM) đã mua 1 căn hộ condotel TP Nha Trang nhưng đang rao bán lại vì sau vụ vỡ trận Cocobay ở Đà Nẵng, ông lo ngại chủ đầu tư sẽ không thực hiện được cam kết lợi nhuận 12% mỗi năm. Căn hộ ông đang rao bán với giá 3,25 tỉ đồng nhưng nửa tháng qua vẫn chưa có người mua. "Thật ra là bán cắt lỗ chứ giá gốc cao hơn. Bây giờ chán rồi, không thể đợi chủ đầu tư chia lợi nhuận được nữa" - ông Thiện nói.
Một chủ dự án condotel ở Nha Trang thừa nhận hiện nay, thị trường condotel đang lao dốc. "Bây giờ chúng tôi đang chuyển hết các căn hộ còn lại để kinh doanh dịch vụ khách sạn. Thật ra, việc chia lợi nhuận với chủ đầu tư thứ cấp cũng tiềm ẩn rủi ro, nhất là mức lợi nhuận không đạt như dự tính" - ông thừa nhận.
Thực tế, loại hình condotel ở Nha Trang đã vỡ trận từ trước đó. Liên tục nhiều tháng trời, các khách hàng của 90 căn hộ condotel tại dự án Bavico Nha Trang (cam kết chia lợi nhuận 15%/năm) đã kêu cứu và tố cáo chủ dự án lừa đảo.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, cho biết các chủ đầu tư condotel sinh sau đẻ muộn, thường cam kết lợi nhuận cao để thu hút vốn thì nguy cơ rủi ro rất cao. "Hiện nay, khung pháp lý của condotel chưa rõ ràng nhưng các dự án đang xây dựng vẫn rao bán với mức lợi nhuận cao là rất đáng lo" - ông Hoàng cảnh báo.
Phú Yên là tỉnh mới nổi trên bản đồ du lịch của cả nước và hiện cũng có 3 dự án condotel đã và đang xây dựng với gần 2.000 căn. Ông Vũ Văn Chinh, Giám đốc Ban Quản lý các dự án APEC tại Phú Yên (chủ đầu tư dự án căn hộ du lịch APEC Mandala Wyndham Phú Yên), thừa nhận việc đổ vỡ của dự án Cocobay đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý khách hàng khi đầu tư vào căn hộ du lịch ở Phú Yên. Tuy nhiên, theo ông, đổ vỡ của Cocobay là vì chất lượng công trình và dịch vụ thấp, dự án của ông cố không đi vào vết xe đổ đó, dù dự án này cũng cam kết với mức lợi nhuận 12%/năm.
Ông Văn Tấn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thời trang Thiên Quang (chủ đầu tư dự án Rosa Alba Resort Phú Yên, cũng là một dự án hoạt động theo hình thức condotel), nhận định Cocobay là con cờ domino, sự đổ vỡ của nó kéo theo một hệ thống condotel lung lay. Khách hàng cho phân khúc BĐS này đang thu mình lại. "Tôi cho rằng nhiều dự án cam kết lợi nhuận 12% hay 15%/năm là quá liều. Dự án của tôi chỉ cam kết lợi nhuận 9% nhưng đã chật vật rồi" - ông Thắng nhận định.
Nhiều dự án rao bán đất ở TP Nha Trang nhưng chẳng ai ngó ngàng. Ảnh: KỲ NAM
Đất nền lao dốc, giao dịch đứng bánh
Cũng theo ông Thắng, việc đổ vỡ con cờ domino Cocobay còn ảnh hưởng đến tất cả phân khúc của BĐS. Ông Thắng nói: "Đất nền ở Phú Yên cũng bị ảnh hưởng đến nghiêm trọng. Bây giờ chẳng thấy ai giao dịch mua bán đất nền nữa".
Thực tế, sau khi tỉnh Phú Yên mở bán đấu giá hàng loạt khu đất, nhiều người ôm đất với giá cao khóc ròng. Tại khu Bắc sân bay Tuy Hòa, giá đất bán đấu giá từ 1,4 - 1,6 tỉ đồng nhưng hiện nhiều người rao bán với giá 1,1 tỉ đồng mà vẫn không có ai mua.
Còn tại Khánh Hòa, qua khảo sát của phóng viên, giá đất nền ở các khu đô thị lân cận trung tâm TP Nha Trang cũng đang giảm mạnh. Ông Long, một người mua đất ở xã Vĩnh Thái (TP Nha Trang), cho biết đầu năm 2018, ông mua khu đất gần 800 m2, chuyển hết thổ cư chia được 7 lô. Ông định bán 16 triệu đồng/m2 để kiếm lời chút ít nhưng gần 2 năm qua chỉ bán được 3 lô. "4 lô còn lại cũng hạ đến mức 14 triệu đồng/m2 vẫn không có người mua. Nếu hạ nữa thì coi như lỗ nặng" - ông Long than thở.
Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa cho rằng nguồn vốn tín dụng siết chặt, cùng với thủ tục hành chính về pháp luật đất đai phát sinh nhiều vướng mắc là những nguyên nhân dẫn đến việc giao dịch BĐS Khánh Hòa giảm hẳn.
Từ "đứa con lai" đến loại hình "trú đông" đều chùn tay
Ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Long Sài Gòn, có kinh nghiệm hơn 20 năm kinh doanh BĐS. Ông Châu cho rằng phân khúc mới condotel là "đứa con lai" giữa căn hộ và khách sạn. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật cho loại hình này chưa được xây dựng nên hệ quả bất ổn là nhãn tiền. Ông Châu phân tích tiếp một phân khúc khác của BĐS ở miền Trung là căn hộ chung cư, tập trung ở 2 TP chính là Đà Nẵng và Nha Trang.
"Giá trị căn hộ đã được giới môi giới đẩy lên khá cao, với nguồn cung dồi dào nên đã đưa thị trường đến ngưỡng bội thực. Hiện nay, giá trị giảm, 6 tháng gần đây lên đến hơn 20%. Số lượng giao dịch cho phân khúc này cũng suy giảm theo với suy nghĩ chờ giá giảm thêm" - ông Châu lý giải.
Riêng với phân khúc đất nền, theo ông Châu, đây là loại hình "trú đông" an toàn nhất nên được nhiều nhà đầu tư thứ cấp đổ tiền vào. "Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường thứ cấp mua đi bán lại đã đẩy giá lên khá cao nên có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt. Như ở TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), nhiều dự án nhà đầu tư thứ cấp bán lại dưới giá trúng đấu giá từ chính quyền hoặc đã có nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc" - ông Châu nhìn nhận.
Bình luận (0)