Sáng 3-12, nhân kỷ niệm 20 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 - 4.12.2019), UBND huyện Duy Xuyên tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Doanh nghiệp đồng hành cùng di sản" nhằm tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp để du lịch Mỹ Sơn phát triển hơn nữa.
Tăng trưởng đúng hướng
Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết những năm qua, di sản Mỹ Sơn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư thích đáng, đặc biệt từ khi Đề án Phát triển du lịch huyện Duy Xuyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được triển khai. Đây là chính sách tốt đã tạo ra một cú hích rất lớn về phát triển du lịch, cả về tốc độ tăng trưởng khách, doanh thu dịch vụ và lan tỏa sức hấp dẫn. "Mỗi năm, Mỹ Sơn đón trên 350.000 lượt khách, doanh thu từ dịch vụ đạt gần 60 tỉ đồng" - ông Khiết thông tin.
Khách đến Mỹ Sơn ngày một tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đánh giá ngành chức năng huyện Duy Xuyên đã làm rất tốt công tác bảo tồn di sản Mỹ Sơn dù gặp nhiều khó khăn. "Điều đặc biệt là hiện nay dường như ở đâu cũng có nạn chèo kéo khách nhưng ở đây không có, cộng đồng rất tốt bụng, hay giúp đỡ du khách" - ông Thanh nói.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Mỹ Sơn đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng lượng khách đến Mỹ Sơn vẫn rất khiêm tốn, đặc biệt là khách nội địa. Đưa ra 8 giải pháp hiến kế cho du lịch Mỹ Sơn, ông Thanh nhấn mạnh: "Để du lịch phát triển bền vững, thành công đòi hỏi một quá trình can dự chặt chẽ không chỉ từ những nhà quản lý điểm đến, doanh nghiệp du lịch mà còn cả người dân địa phương và du khách nhằm bảo đảm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến di sản - giá trị văn hóa".
Cần doanh nghiệp đồng hành
Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch lữ hành Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng, nhận xét sau 20 năm, khách du lịch đến Mỹ Sơn đã tăng trưởng rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, sự cạnh tranh của các điểm đến khác cũng rất khốc liệt, để bảo đảm sự phát triển bền vững, Mỹ Sơn cần thêm nhiều giải pháp thích hợp để thu hút du khách.
Đồng quan điểm, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours, nhìn nhận dù lượng khách đến Mỹ Sơn và doanh thu tăng đều qua các năm nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Nếu so với tổng lượng khách đến 3 tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế thì con số này khá khiêm tốn. Số liệu năm 2018 cho thấy lượng khách đến Mỹ Sơn chỉ chiếm 6% số khách đến Quảng Nam, bằng 5,12% so với Đà Nẵng và 9,12% so với Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt, khách nội địa những năm gần đây không tăng, thậm chí còn có xu hướng giảm.
Gửi lời cảm ơn đến các đại biểu, ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cho rằng thành tựu mà Mỹ Sơn có được như ngày nay có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp (DN); đồng thời bày tỏ tin tưởng lợi ích sẽ được nhân lên nếu mọi người cùng đồng hành. "Những ý kiến, ý tưởng mà các đại biểu tại buổi tọa đàm đặt ra, huyện ghi nhận và sẽ sắp xếp để sắp tới cùng bàn làm sao đưa những ý tưởng đó vào thực tế" - ông Phan Xuân Cảnh khẳng định.
Đánh giá cao vai trò, vị trí của DN trong việc bảo tồn, phát triển di sản Mỹ Sơn, ông ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tổng kết các ý kiến đóng góp vào 3 vấn đề. Đó là làm sao khách đến Mỹ Sơn đông, ở lại lâu và tiêu tiền nhiều hơn.
Cần nhà đầu tư đủ tâm và tầm
Để giải quyết những câu hỏi đó, ông Trần Văn Tân cho rằng những việc trước mắt cần làm là nâng cao chất lượng hoạt động của ban quản lý di tích; có sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, hấp dẫn gắn với bản sắc địa phương và hạ tầng phát triển du lịch. Để nâng tầm du lịch Mỹ Sơn, cần có nhà đầu tư chiến lược đủ tâm và tầm. Vì vậy, ông Tân yêu cầu huyện Duy Xuyên sớm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào du lịch Mỹ Sơn để có thể tìm được nhà đầu tư lớn.
Cũng theo ông Trần Văn Tân, du lịch của tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên phát triển về phía Tây. Nó cũng phù hợp với định hướng chung của tỉnh với mục đích giảm áp lực lên di sản, đặc biệt là phố cổ Hội An.
"Hiện mỗi ngày di sản Mỹ Sơn đón hơn 1.000 du khách đến tham quan. Tôi nghĩ đây là con số còn khá khiêm tốn, trong khi năng lực có thể tiếp nhận nhiều hơn, có thể phát huy tốt hơn nữa nhưng chúng ta vẫn bảo tồn nguyên vẹn giá trị đặc trưng của di sản Mỹ Sơn. Ở đây còn nhiều dư địa để chúng ta đẩy mạnh phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, gắn liền với bản sắc văn hóa của địa phương, gắn chặt với khả năng và lợi thế của khu vực xung quanh này" - ông Trần Văn Tân lạc quan.
Bình luận (0)