Sáng 23-5, một nhóm gồm 8 học sinh của Trường THCS Thanh Thạch (xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) rủ nhau ra sông Gianh tắm. Chẳng may 3 em trong số này là Nguyễn Thị H.T, Nguyễn C.L và Nguyễn T.H bị đuối nước tử vong. Tiếp đó, 13 giờ cùng ngày, 2 em Hồ Thị A.T (9 tuổi) và Hồ Thị K.Y (6 tuổi) - học sinh ở Trường Tiểu học và THCS số 1 Trọng Hóa (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) - bị đuối nước khi cùng mẹ lên rẫy.
2 năm mất 1 lớp học
Còn tại Khánh Hòa, nỗi đau của gia đình ông Nguyễn Hằng (thôn Tân Khánh 2, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa) chưa nguôi khi bị mất cùng lúc 4 người cháu trong ngày 20-5 thì ngày 22-5, thêm một học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Phước Đồng, TP Nha Trang đuối nước thương tâm.
Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, lý giải thời điểm đầu hè như hiện nay thường xuyên xảy ra các vụ đuối nước trẻ em, nhất là ở các vùng nông thôn. Nguyên do vì nhà trường vừa cho học sinh nghỉ học, thời tiết nắng nóng, các bậc phụ huynh thường đi làm về trễ không ai trông nom con cháu.
Con suối tại xã Phước Đồng,TP Nha Trang (Khánh Hòa) - nơi một học sinh bị đuối nước vào chiều 22-5 Ảnh: KỲ NAM
Cũng trong ngày 22-5, chị Hoàng Thị Lê (24 tuổi; ngụ xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cùng con ra bờ hồ để phát dọn cỏ. Con gái chị Lê là cháu Vũ Thị Cẩm L. (4 tuổi) không may trượt chân ngã xuống hồ. Chị Lê lao xuống cứu nhưng do không biết bơi nên 2 mẹ con đều tử vong. Chị Lê đang mang thai khoảng 4 tháng.
Trước đó, chiều 21-5, một nhóm học sinh rủ nhau đi chơi tại thác 5 tầng (xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) rồi bị đuối nước. Người dân kịp phát hiện nhưng chỉ cứu được 4 em, còn Lê Chí C. (học sinh lớp 8, xã Đắk Sin) đã tử vong.
Theo thống kê bước đầu, chỉ trong vòng 1 tháng qua, ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã có gần 30 học sinh bị đuối nước. Ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đắk Lắk, cho biết chỉ tính riêng ở tỉnh này, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 9 vụ đuối nước làm 12 trẻ tử vong. Còn tại tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay cũng có đến 7 học sinh đuối nước.
Nghiêm trọng hơn, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa công bố từ năm 2017 đến nay, tại tỉnh này đã có 36 trẻ em bị đuối nước, bằng cả 1 lớp học.
Không thể khoán trắng cho trường
Ông Nguyễn Mai Trung Quốc, phụ trách mảng giáo dục thể chất - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau khi xảy ra các vụ học sinh đuối nước, ngày 23-5 sở đã có văn bản khẩn yêu cầu các trường học trên địa bàn trong lễ bế giảng năm học phải tổ chức phát động chương trình phòng chống đuối nước cho học sinh.
"Thấy các cháu như vậy chúng tôi cũng khổ tâm lắm. Nhưng nhà trường cũng chỉ lo được trong phạm vi trong trường chứ các cháu về nhà rồi cũng khó quản lý. Để hạn chế tối đa các tai nạn đuối nước, trách nhiệm không chỉ riêng của ngành giáo dục mà cần sự chung tay của chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh" - ông Quốc nói.
Ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận trong việc phòng chống đuối nước cho trẻ em thì ý thức gia đình rất quan trọng. "Chúng tôi đã vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ, chủ động đưa trẻ đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhưng sự việc đau lòng vẫn cứ xảy ra" - ông Tân chia sẻ.
Một hiệu trưởng trường THCS ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) cho rằng việc học sinh rủ nhau đi tắm biển khi đã nghỉ học rồi đuối nước là ngoài phạm vi quản lý của nhà trường, của ngành giáo dục. "Phụ huynh không nên khoán trắng cho nhà trường mà phải cùng vào cuộc để trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho con em mình. Biết bơi phải là 1 kỹ năng bắt buộc, như nhiều kỹ năng mềm khác trước khi các em vào đời" - hiệu trưởng này nói.
Nhà ở gần bãi biển Đồi Dương, chị Nguyễn Thị Hằng (phường Hưng Long, TP Phan Thiết) thừa nhận trước giờ gia đình không mấy quan tâm khi con đi tắm biển cùng bạn bè. "Bây giờ thật sự mới biết sợ. Các cháu chết nhiều quá" - chị Hằng lo lắng.
Trước tình trạng quá nhiều học sinh trong khu vực chết đuối, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành công văn về tăng cường biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em. Theo đó, Sở LĐ-TB-XH chủ trì phối hợp với sở, ngành tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng tham gia giao thông đường thủy, tập bơi cho trẻ em; cấp phát phao cứu sinh cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy và khu vực có nhiều sông suối. Ngành nông nghiệp phải cắm biển báo, biển cấm và hàng rào bảo vệ tại các công trình thủy lợi, công trình dân dụng để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Đưa môn bơi vào trường học
Theo bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, hiện ngành giáo dục đang đầu tư 16 hồ bơi cho các trường học để dạy bơi cho học sinh, đến nay đã có 10 hồ hoạt động. Không chỉ cho học sinh mà ngành còn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức 1 lớp dạy bơi, cứu đuối cho 68 giáo viên. Sở này cũng tổ chức được 3 lớp tập huấn cho giáo viên thể chất trong việc dạy bơi, phòng chống đuối nước và tiếp tục tổ chức trong thời gian tới để 100% giáo viên thể chất trong các trường đều được đào tạo, từ đó đưa môn học bơi vào nhà trường.
Bình luận (0)