Trên cánh đồng lúa giống ở thôn Thái Nam (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), nhiều nông dân xới tung một góc bờ ruộng để tìm bắt chuột. Chỉ trong 15 phút, họ đã đào bắt được hơn 10 con chuột đủ kích cỡ.
Ra quân diệt chuột
Người dân cho biết mùa đông năm ngoái không có mưa nhiều, những cánh đồng lúa không bị ngập lụt; đầu năm nay, thời tiết nắng ấm nên đàn chuột sinh sôi rất nhanh. Nhiều cánh đồng lúa của người dân đã bị chuột cắn phá tan hoang.
Người dân ở xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam diệt hơn 10 con chuột trong thời gian ngắnẢnh: TRẦN THƯỜNG
Đào, diệt chuột trên đồng lúa tỉnh Quảng Bình Ảnh: Hoàng Phúc
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ở cánh đồng thôn An Thiện (xã Tam An, huyện Phú Ninh), ngoài đào bắt chuột, nông dân mang đủ loại bao bì, dây thừng treo khắp ruộng để "hù dọa" chuột. Tuy vậy, biện pháp này có vẻ không hiệu quả, ruộng vẫn bị chuột phá hoại xác xơ. Ông Huỳnh Tấn Ban (57 tuổi, ngụ thôn An Thiện) cho biết gia đình ông làm 6 sào lúa Thiên ưu, đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái. Đến nay, hơn 1 sào đã bị chuột cắn phá phải bỏ hoàn toàn. "Vừa qua, UBND xã Tam An mua thuốc phát cho người dân diệt chuột đồng loạt. Nhờ vậy, tình trạng chuột cắn lúa đã giảm nhưng diện tích hư hại vẫn còn nhiều" - ông Ban nói.
Toàn tỉnh Quảng Trị có gần 500 ha lúa bị chuột gây hại, trong đó hơn 3 ha bị hại nặng. Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Gio Linh, cho hay vụ đông xuân này, trên địa bàn gieo gần 4.750 ha lúa mà có 215 ha lúa bị chuột gây hại với tỉ lệ khoảng 5%. Nhiều nông dân để bảo vệ mùa màng đã đồng loạt tiến hành các biện pháp diệt chuột như đào hang, đặt bẫy, sử dụng thuốc sinh học.
Tại tỉnh Quảng Bình, hơn 29.400 ha lúa vụ đông xuân (2019-2020) được bà con nông dân gieo cấy. Năm nay, do thời tiết thất thường, nước không đủ đã khiến sâu bệnh phát triển. Không chỉ vậy, nạn chuột phá hoại cũng khiến hơn 1.300 ha của hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn. "Chuột và ốc quá nhiều. Trung bình mỗi đêm, ông nhà ra bẫy bắt hàng chục con chuột. Ruộng đã gieo được một thời gian nhưng bị phá như vậy chắc phải gieo lại, nếu để vậy chắc chẳng còn lúa mà ăn" - bà Trần Thị Nhạn (ngụ xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) than thở.
Ưu tiên dùng biện pháp sinh học
Hiện hàng ngàn lượt người ở Quảng Trị đã diệt được 47.330 con chuột. Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, khẳng định nhiều cán bộ trực tiếp xuống địa bàn hướng dẫn cụ thể cho người dân. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ hơn 3 tấn thuốc diệt chuột sinh học, thu mua 1.000-2.000 đồng/đuôi chuột cho người nông dân trên địa bàn. Trong thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền người dân tiếp tục diệt chuột bằng nhiều biện pháp, trong đó ưu tiên đào bắt, đặt bẫy, sử dụng thuốc sinh học.
Ông Đinh Long Toàn, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Ninh, cho biết diện tích lúa trên địa bàn huyện bị chuột phá hại cao hơn cùng kỳ năm trước, phân bố ở hầu hết địa phương. Ngành chức năng hướng dẫn trực tiếp các biện pháp diệt chuột như đặt bẫy, dùng thuốc và ưu tiên sử dụng thuốc diệt chuột sinh học, hạn chế tối đa việc dùng các loại thuốc hóa học độc hại. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam đã có ít nhất 400 ha lúa đông xuân bị chuột cắn phá, tăng 250 ha so với cách đây 1 tuần.
Trước "nạn" chuột hoành hành, người dân các địa phương ở huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã làm đủ mọi cách như: làm lưới, đặt thuốc, làm bẫy… nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết địa phương đang tìm các giải pháp ngăn chặn.
"Nhằm giảm bớt nạn chuột và sâu bọ phá đồng lúa, trước mắt, chúng tôi đang hướng dẫn bà con mua các loại thuốc về phun khử sâu bọ, phương thức thứ 2 là phát động bà con làm bẫy chuột" - ông Thụ nói.
Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình đã hướng dẫn các địa phương tập trung chỉ đạo bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa đông xuân và các loại cây trồng, đồng thời chủ động phòng trừ sâu bệnh và diệt chuột theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, không để lan ra diện rộng.
Bình luận (0)