Tối 27-6, tại Cụm Du lịch thác Đray Sáp - Gia Long (xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô), UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND huyện Krông Nô tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia hang C6-1, thuộc Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông.
Toàn cảnh hố khai quật, các di tích, phiên bản di cốt và hoạt cảnh người tiền sử được phục dựng để bảo tồn, bảo tàng tại hang C6.1 Nguồn: LA THẾ PHÚC
Phát biểu tại buổi lễ, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông - cho biết ngày 7-7-2020, Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 đã thông qua quyết định công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là công viên địa chất toàn cầu.
Sau khi công viên này được công nhận, tỉnh đã xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, dành các nguồn lực để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia cho huyện Krông Nô
Cũng theo bà Hạnh, kết quả nghiên cứu ghi nhận đây là dấu tích văn hóa của cư dân trung kỳ Đá mới cách nay từ 4.000 đến 7.000 năm. Đặc biệt, tại hang C6-1 đã tìm thấy những dấu tích người tiền sử trong các tầng văn hóa. Lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam và Đông Nam Á biết đến một loại hình di tích khảo cổ trong hang động núi lửa. Vì vậy, tỉnh đã xây dựng hồ sơ trình, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia di tích khảo cổ hang C6-1.
"Đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất di tích khảo cổ học hang C6-1 được nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Đây là vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông, là dịp để tuyên truyền, tôn vinh và khẳng định giá trị di sản văn hoá, di sản địa chất trên địa bàn tỉnh" - bà Hạnh nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Hang C6-1 không chỉ là một di sản địa chất mà các nhà khoa học cũng đã phát hiện và khai quật được di cốt người tiền sử với nhiều tầng văn hóa cách nay từ 5.815 năm đến 6.954 năm.
Hang C6-1 đã phát lộ ít nhất 7 mộ táng còn bảo tồn tốt với táng thức chủ yếu là nằm co bó gối. Trong đó, mộ 1 là một người đàn ông trưởng thành khoảng 25 - 35 tuổi, di cốt còn bảo tồn tốt và khá nguyên vẹn. Dựa vào độ dài xương, chỉ có thể tính được chiều cao người, trong đó người mộ 1 cao nhất khoảng 1,84 - 1,85m, người mộ 7 cũng có chiều cao cơ thể trong khoảng 1,81 - 1,83m. Lần đầu tiên các nhà khoa học bắt gặp chiều cao các di cốt người cổ ở Việt Nam lớn như vậy.
Bình luận (0)