Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã chi hàng trăm tỉ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Phân không tan, giống không mọc
Cụ thể, trong 4 năm (2012-2016), UBND tỉnh Gia Lai đã chi tổng cộng hơn 414 tỉ đồng để thực hiện các chính sách nói trên. Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai (Công ty Miền núi Gia Lai) là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ cung ứng các mặt hàng chính sách như cây giống, bò giống, phân bón, muối i-ốt cho những hộ nghèo được thụ hưởng.
Công ty Miền núi Gia Lai cung cấp giống bắp... không hạt cho người dân huyện Krông Pa
Thế nhưng, tại nhiều địa phương, việc cấp cây, con giống, vật tư không phù hợp, bảo đảm chất lượng khiến hiệu quả kinh tế mang lại không như mong muốn, thậm chí nhiều hộ vẫn không thoát được nghèo, đời sống càng khó khăn hơn.
Qua khảo sát của 2 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đinh Duy Vượt và Rơ Mah Tuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho thấy rõ điều đó. Chẳng hạn, tại xã Ia O, huyện Ia Grai, người dân phản ánh phân bón NPK được cấp không bảo đảm chất lượng, bón xuống đất cả năm vẫn không tan. Còn ở xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, giống bắp được cấp gieo xuống đất cả tháng nhưng không nảy mầm. Ở xã Ia Lang, huyện Đức Cơ, giống lúa cấp cho người dân mọc mầm nhưng không phát triển...
Báo cáo của Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu rõ: Cây giống, phân bón cấp phát không theo nhu cầu sản xuất của hộ dân (nhiều hộ không có đất vẫn cấp giống) dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả; số lượng cấp được định mức cho tất cả hộ đã gây khó khăn cho người dân trong việc gieo trồng; cây được cấp chưa đa dạng, chủ yếu là giống lúa, bắp mà chưa tạo điều kiện cho người dân đa dạng hóa cây trồng, đặc biệt là cây trồng có giá trị kinh tế cao; thời gian cung ứng giống cây chậm, không kịp thời vụ...
Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị cần khắc phục ngay những hạn chế, bất cập này.
Không đủ tư cách vẫn trúng thầu
Nhận thấy việc giao cho Công ty Miền núi Gia Lai độc quyền cung ứng có vấn đề, năm 2017, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đã có báo cáo UBND tỉnh này, trong đó kiến nghị: "Để người thụ hưởng chính sách được hưởng lợi tối đa từ chính sách này, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hàng chính sách, UBND tỉnh cần khuyến khích thêm các doanh nghiệp công ích khác tham gia cung ứng để có sự cạnh tranh và người thụ hưởng được lựa chọn nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất cho mình, tránh độc quyền theo đúng quy định pháp luật và yêu cầu cải cách hành chính hiện nay".
Cũng trong năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc và chỉ rõ những sai phạm khi để Công ty Miền núi Gia Lai độc quyền cung ứng giống, vật tư. Công ty này cũng không đủ tư cách pháp nhân để làm chủ đầu tư thực hiện triển khai chương trình hỗ trợ người nghèo.
Sau khi bị Kiểm toán Nhà nước "tuýt còi", ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu, kế hoạch cho Công ty Miền núi Gia Lai vì vi phạm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đấu thầu.
Ông Kpah Đô, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, cho biết trên cơ sở đó, năm 2019, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương triển khai nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, cùng với cung cấp muối i-ốt cho người dân. "Việc giao cho cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư vừa đúng pháp luật vừa quy trách nhiệm khi thực hiện không hiệu quả" - ông Đô nói.
Thế nhưng, sau khi tổ chức đấu thầu, chọn đơn vị cung ứng thì Công ty Miền núi Gia Lai lại trúng thầu và tiếp tục là đơn vị duy nhất cung ứng các mặt hàng chính sách cho người nghèo với những con bò gầy trơ xương, không đứng được, thậm chí lở loét để về làm giống mà Báo Người Lao Động đã phản ánh trên nhiều số báo vừa qua.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-12
Công trình nước sạch 17 tỉ đồng khô cạn
Năm 2017, tỉnh Gia Lai cấp trên 17 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh cho huyện Chư Sê đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt từ trung tâm huyện Chư Sê về 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện là Ayun và H’bông. Công trình đưa vào sử dụng đầu năm 2018. Tại xã Ayun có 6 bể nước sạch được xây dựng tại một số làng để đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt tại đây thì nhiều bể nước trơ đáy, van nước hư hỏng và hoen gỉ. Ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ayun, cho biết do đường ống dẫn nước bị hỏng nên việc cấp nước sạch cho 180 hộ dân trong xã bị gián đoạn.
Bình luận (0)