Thường lệ, từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch hằng năm, các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… có mưa rất lớn, lũ lụt cũng tràn về. Năm nay, dù đã bước sang tháng 11 âm lịch nhưng mưa rất ít, hàng triệu nông dân ở vùng này lo hoa màu thất bát vì thiếu nước tưới.
Chuột, côn trùng hoành hành
Tại tỉnh Quảng Nam, đến cuối tháng 10-2019 mới xuất hiện vài đợt mưa lớn. Trong tháng 11, địa phương này chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão số 5 và 6 nhưng lượng mưa không nhiều như dự báo. Hai đợt mưa lớn trong nửa đầu tháng 11 chỉ gây ngập úng cục bộ ở một số khu vực trũng. Nông dân vẫn trông đợi một đợt lụt nhẹ nhưng dường như mùa lụt đã đi qua.
Thời điểm này, nông dân trồng trọt ở các cánh đồng ven Quốc lộ 1 ở tỉnh Quảng Nam bắt đầu gia cố lại bờ ruộng, thu dọn cỏ và bỏ phân chuồng để cày ải đất, chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân. Tại cánh đồng lúa ở xã Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), khá đông người dân tập trung ra quân diệt chuột. Nhiều nông dân ở đây cho biết năm nay không có lụt nên chuột sinh sôi rất nhiều. Họ cũng lo ngại cỏ dại và sâu bọ sẽ tấn công ruộng lúa trong thời gian tới.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đến nay chỉ xuất hiện vài đợt mưa lớn cùng một trận lũ nhỏ nhưng so với các năm, lượng mưa lũ như thế là quá ít, nguy cơ cao mất mùa. Ông Nguyễn Bảy - một nông dân sống dọc sông Trà Khúc - cho biết thời điểm này các năm trước, nước lũ đã tràn về mênh mông nhưng năm nay sông Trà Khúc chỉ có 1 trận lũ nhỏ, lượng nước khá ít. "Mưa lũ nhiều gây thiệt hại lớn nhưng mưa lũ nhỏ quá cũng thiệt hại không kém. Bởi lẽ có lũ lớn tràn về, các động vật có hại, cắn phá hoa màu mới trôi đi bớt, đất đai cũng được phù sa màu mỡ hơn" - ông Bảy nói. Việc không có mưa, không có lụt đang khiến hàng triệu nông dân miền Trung bất an, không dám trồng hoa màu, thậm chí đối mặt nguy cơ mất mùa. Đặc biệt, vụ hè thu sang năm nhiều khả năng xảy ra hạn hán nghiêm trọng.
Trong khi đó, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là huyện vùng trũng nằm ở hạ nguồn sông Bồ, được xem là rốn lũ của Thừa Thiên - Huế nhưng giờ cánh đồng nước chỉ xâm xấp. "Lũ lớn như năm 1999 thì sẽ gây thiệt hại nặng nề nhưng không có lũ thì nhà nông cũng gặp rất nhiều khó khăn" - lão nông Hoàng Văn Phước (ngụ xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) nói. Có lụt thì mới có nước cho các hồ để chống hạn cho mùa khô sang năm.
Quảng Nam đang lo ngại thiếu nước sản xuất trong thời gian tới. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Thủy điện thiếu nước
Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống thiên tai - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện chỉ một số hồ thủy lợi cỡ vừa có lượng nước đạt 100% dung tích thiết kế. Còn các hồ thủy điện như Hương Điền chỉ đạt 28%, Bình Điền 19%. Các hồ khác chỉ đạt 40%-60%. So với năm 2016 và 2017, năm nay chưa có cơn lũ lớn nào và hy vọng sẽ được bổ sung lượng mưa trong tháng 12.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, tổng lượng mưa tại địa phương này dao động khoảng 2.000 mm, trong khi lượng mưa trung bình mỗi năm lên đến 2.500 mm. Do mưa ít, hiện trên 100 hồ, đập tại Quảng Ngãi mới tích được khoảng 70% lượng nước. "Lượng mưa ít như thế rất đáng lo, sản xuất của người dân sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ thiếu nước cho vụ sản xuất tới rất lớn" - một cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi nói.
Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, cho biết theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam, trong năm 2019 sẽ còn một đợt mưa trong tháng 11 này. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay vẫn đang có nắng gắt. Ngoài hồ thủy lợi Phú Ninh (thiếu khoảng 40 triệu m3 nước) và thủy điện Đắk Mi 4 (thiếu khoảng 5 m so với mực nước dâng bình thường) đã tích được lượng nước tương đối ổn thì các thủy điện lớn ở thượng nguồn đều đang thiếu nước trầm trọng. Thủy điện A Vương mới tích được 16%, trong khi hồ chứa này đưa nước về sông Vu Gia, phục vụ tưới tiêu cho cả tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Hai thủy điện lớn khác là Sông Tranh 2 và Sông Bung 4 cũng mới tích được khoảng 60%. Ông Trương Xuân Tý cho rằng với tình hình này, khả năng vụ hè thu sẽ rất căng thẳng về nước tưới.
Lau nở trắng là không còn lụt
Lão nông Nguyễn Văn Hoàng (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho rằng mùa nào có lụt thì chuột đồng và sâu bọ sẽ chết bớt, ấu trùng cũng bị diệt, vụ lúa sau đó nông dân đỡ vất vả. Năm nay mưa ít, giờ qua 23-10 âm lịch rồi mà chưa có đợt lụt nào. "Theo kinh nghiệm dân gian, khi bông lau nở trắng các bãi bồi như hiện nay thì khả năng không còn đợt lụt nào nữa. Sở dĩ nông dân vừa lo vừa trông lụt là vì ngoài bớt chuột và sâu bọ, nước lụt cũng sẽ đem tới một lượng phù sa lớn cho ruộng đồng, giúp tái tạo đất sau 2 mùa gieo cấy" - ông Hoàng đúc kết.
Bình luận (0)