Liên tiếp mấy tháng qua, nắng hạn gay gắt kéo dài khiến khu vực miền Trung thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Nhiều nơi dân phải mua nước với giá 25.000-30.000 đồng/m3, có vùng giá nước sinh hoạt "nhảy vọt" lên mức 150.000 đồng/m3.
Khắp nơi "chạy" nước
Ở các làng chài ven biển Quảng Ngãi như An Vĩnh, Kỳ Xuyên, An Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi); xã Bình Trị, Bình Đông (huyện Bình Sơn)..., đi đâu cũng thấy cảnh người dân xách can, thùng đến một vài giếng còn nước sinh hoạt ít ỏi, chờ đợi lấy về dùng.
Bà Trần Thị Tình (ngụ xã Tịnh Kỳ) kể năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô, hầu hết giếng nước ở Tịnh Kỳ đều trơ đáy. Nhà nào may mắn giếng còn nước thì lại nhiễm phèn, nhiễm mặn nên chỉ dùng giặt giũ quần áo, còn nước uống, nấu thức ăn hầu hết phải đến các điểm bán nước sinh hoạt mua với giá 5.000-10.000 đồng/can 20 lít.
Người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) phải “chạy” nước sinh hoạt từng ngày Ảnh: TỬ TRỰC
Toàn xã Tịnh Kỳ hiện có khoảng 1.600 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó hơn 500 hộ phải đi mua nước sinh hoạt về dùng. "Tình cảnh thiếu nước năm nào cũng diễn ra. Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản ở Tịnh Kỳ cũng bị thiếu nghiêm trọng nên đất đai phần lớn phải bỏ hoang" - ông Tiến nói.
Tương tự, tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), nhiều giếng nước đã cạn kiệt. Nhiều gia đình phải mua nước từ những người bán dạo với giá cao, từ 10.000-20.000 đồng/m3. Ở đảo An Bình (đảo Bé), người dân phụ thuộc vào nguồn nước sinh hoạt từ đảo lớn chuyển qua, có thời điểm giá nước lên 150.000 đồng/m3.
Còn tại Quảng Bình, từ đầu tháng 6, người dân ở 2 xã Quảng Hưng và Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch) dù nhà nào cũng có giếng đào, giếng khoan nhưng hầu hết trơ đáy hoặc nhiễm phèn, mặn. Muốn có nước sạch để uống, họ phải bỏ ra 80.000 đồng/m3, còn tắm giặt thì sử dụng nước phèn.
Mặc dù hệ thống nước thủy cục đã dẫn về đến nhiều thôn, xóm nhưng người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cũng thiếu nước sạch trầm trọng nhiều tháng nay. Ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, thống kê cả 13 thôn có đến 3.000 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu thiếu nước. Số hộ dân có giếng bơm phải chấp nhận dùng nước bị nhiễm phèn, nếu không phải mua nước bình về xài tạm cho an toàn.
Tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nắng nóng kéo dài đã khiến nhánh suối Lương chảy từ núi Hải Vân bị khô cạn. Nhà máy Cấp nước Hải Vân nằm tại hạ lưu buộc phải dừng hoạt động suốt 3 tuần nay.
Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, xác nhận mỗi ngày đơn vị phải tăng cường 60.000-70.000 m3 từ 2 nhà máy Sân Bay và Cầu Đỏ cho khu vực Hòa Hiệp Bắc lẫn địa bàn Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc.
Công trình nước sạch "chết yểu"
Trong khi người dân "chạy" nước sinh hoạt từng ngày thì rất nhiều công trình nước sạch được đầu tư hàng tỉ đồng ở khu vực này đang "đắp chiếu". Đáng kể là công trình nước sinh hoạt ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) được đầu tư gần 30 tỉ đồng, hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.
Công trình nước sạch ở Đà Nẵng bị bỏ hoang Ảnh: VĨNH QUYÊN
Vào năm 2003, một công trình nước sạch ở thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng được một tổ chức phi chính phủ tài trợ. Xây xong, công trình chưa sử dụng được một ngày nào. Hiện toàn bộ thiết bị máy bơm, nhà điều hành và hệ thống đường ống đã xuống cấp. Người dân được TP đầu tư hệ thống đường ống cấp nước thủy cục nhưng hiện vẫn thiếu nước.
Đáng nói, năm 2013, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình được đầu tư 8 tỉ đồng để xây dựng công trình nước sạch nhưng sau gần 6 năm vẫn chưa thể vận hành. Nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng. Ông Đàm Văn Tứ, Chủ tịch UBND xã Quảng Hưng, cho biết nguyên nhân là do mới chỉ đầu tư trục ống chính và các van đấu nối nằm cách xa cụm dân cư, ngoài ra không huy động được phần vốn góp từ dân để đầu tư hoàn thiện công trình.
Cũng như vậy, nhiều công trình nước sạch ở các xã miền núi Cao Quảng, Thạch Hóa, Mai Hóa… của huyện Tuyên Hóa; xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy), xã An Ninh (huyện Quảng Ninh)… được đầu tư nhiều tỉ đồng để xây mới, hy vọng đem lại nguồn nước sạch cho người dân. Thế nhưng, khi hoàn thành sử dụng chưa lâu lại bỏ hoang, hư hỏng, không sử dụng được. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh có 103 công trình nước sạch nông thôn tập trung, được đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Trong số này, 26 công trình "đắp chiếu", 14 công trình sắp phải "khai tử", số còn lại hoạt động kém hiệu quả.
Bình luận (0)