Chưa quen với cảnh chợ búa nên chị cứ đứng tần ngần.Một chị cùng nghề "rẩu" (mua đi bán lại hàng hải sản) đã chia lại chừng chục con cá sọc dưa để chị có buổi chợ. Chị cười bảo quê chị vốn làm nghề trồng rau và trồng lúa nhưng vì dịch Covid-19, rau cũng ế ẩm, phải cắt bỏ. Chị phải chuyển sang nghề "rẩu" để có đồng ra đồng vào, lo học phí cho con.
Rồi chị khoe vào hôm qua, ông trưởng thôn đến nhà vận động quyên góp để phòng chống dịch Covid-19, chăm lo cho những người khó khăn vì dịch bệnh, chị liền móc hầu bao ủng hộ 100.000 đồng. "Mình nghèo, mình không có tiền nhưng mình không đói vì lúa gạo mình trồng lên mà, chứ nhiều người ở thành thị đói thiệt đó" - chị cười hì hì như chẳng bận tâm điều gì rồi tất tả chạy cho kịp buổi chợ.
Dù vất vả mưu sinh nhưng chị Thủy vẫn nhiệt tình góp tiền để chăm lo người nghèo hơn mình
Tôi gọi điện thoại về quê, kể câu chuyện này cho chị tôi nghe. Chị cười thích thú bảo chị cũng mới làm như vậy đó. Cũng cái ông trưởng thôn đến nhà vận động, bảo rằng tự nguyện nhưng chẳng lẽ để ông về tay không nên sẵn còn trong tủ 120.000 đồng, chị đưa hết. Tôi từng chứng kiến buổi chợ của gia đình chị chỉ 20.000 đồng nên có phần ngạc nhiên. "Kệ mà em, mình còn tự cung tự cấp được, còn có cái ăn, chứ nhiều người không có gạo đâu" - chị tôi phân trần.
Đại dịch chẳng chừa một ai. Những người dân nghèo ở quê thuộc nhóm dễ bị tác động, tiệm cận với đói nghèo vì nhiều mặt hàng nông sản họ làm ra chẳng ai mua, phải bỏ bờ. Vậy mà lạ ghê. Khi dịch ập đến, hết nghe công ty này kêu than lại nghe tập đoàn kia kêu cứu lên Chính phủ nhưng lại chẳng nghe mấy người dân quê kêu trời. Ngược lại, họ còn tự nguyện quyên góp để chống dịch. Họ không biết cách kêu hay vì lòng tự trọng họ lớn quá?
Tôi thì nghĩ cả hai lý do ấy đều không phải. Họ không kêu đơn giản vì vốn dĩ họ là người nhà quê, quen với thiên tai, địch họa. Có thì ăn, không có thì nhịn. Và hơn hết, họ không kêu vì họ biết mình có thể cầm cự, có thể còn sẻ chia được cho người khác dù trong buổi chợ ngày mai có thể không còn miếng thịt, sẽ ít đi vài con cá. Họ quen với cái khổ và nếu có khổ thêm một chút cũng chẳng sao, miễn là thấy lòng mình nhẹ.
Người nhà quê ở Phú Yên là vậy đó. "Nhà quê" thì cứ gọi là "nhà quơ", chẳng ngại gì mà phải cong lưỡi. Nghe cứ "quơ" cục, "quơ" hòn, "quơ" rình "quơ" rịch nhưng nghĩa tình thì bao la!
Bình luận (0)