xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủy điện Đak Mi 4 phải bồi thường cho dân

TRẦN THƯỜNG

Chủ đầu tư thủy điện Đak Mi 4 cho biết sẵn sàng "hỗ trợ" cho người dân bị thiệt hại do xả lũ nhưng chính quyền huyện Nam Giang khẳng định thủy điện phải "đền bù" cho dân

Ngày 3-11, sau gần 1 tuần hứng chịu trận lũ lịch sử do thủy điện Đak Mi 4 xả lũ gây ra, nhiều nơi tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vẫn đang khắc phục hậu quả nặng nề.

350 nhà dân bị ảnh hưởng

Trước đó, chiều 28-10, thủy điện Đak Mi 4 xả lũ với lưu lượng trên 7.000 m3/giây. Hàng trăm hộ dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) bị trôi hết tài sản, nhà cửa.

Thủy điện Đak Mi 4 phải bồi thường cho dân - Ảnh 1.

Nhiều nhà dân ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bị hư hỏng, cuốn trôi do thủy điện Đak Mi 4 xả lũ .Ảnh: ĐOAN LỘC

Có mặt tại địa phương này vào ngày 3-11, phóng viên ghi nhận đoạn từ tuyến Quốc lộ 14D qua trung tâm hành chính huyện Nam Giang cũ (xã Cà Dy), nhiều nhà dân bị xiêu vẹo, hư hỏng nặng. Có nhà chỉ còn lại phần móng, vài viên gạch, vài tấm ván. Nhiều hộ phải đi ở nhờ nhà người thân.

Bí thư Huyện ủy Nam Giang, ông Lê Văn Hường, nhìn nhận việc xả lũ của thủy điện quá bất ngờ, chính quyền nhận được thông tin thì nước đã lên rất nhanh nên không kịp hỗ trợ di dời tài sản của người dân.

"Bão số 9 vừa qua, tôi đi kiểm tra thiệt hại sau bão thì nghe anh em báo nước đổ về rất nhanh. Chúng tôi đi qua khu vực Cầu Cơn thì không đi được phải quay về. Một lúc sau đi về lại cầu Bến Giằng cũng đã ngập sâu không qua được. Nước lên quá nhanh, mọi người không kịp trở tay" - ông Hường nói và cho biết khoảng 350 nhà dân bị ảnh hưởng, hư hỏng sau khi thủy điện xả lũ.

Ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết sáng 3-11, UBND huyện đã thành lập đoàn thống kê nhà cửa, tài sản của người dân bị thiệt hại. Qua kiểm tra ban đầu cho thấy có nhiều nhà dân bị trôi hoàn toàn, nhiều nhà hư hại khoảng 50%-70%. Riêng tài sản như tivi, tủ lạnh, gia súc gia cầm, áo quần, đồ dùng cá nhân của người dân bị trôi rất nhiều. Lực lượng chức năng đã hỗ trợ sửa lại những nhà hư hỏng nhẹ và thăm hỏi, động viên những hộ dân bị trôi hết nhà cửa.

Thủy điện: Sẵn sàng "hỗ trợ"

Liên quan đến việc thủy điện Đak Mi 4 xả lũ khiến người dân thiệt hại nặng, ngày 3-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Nam có công văn khẳng định thủy điện Đak Mi 4 thực hiện vận hành đúng quy trình.

Theo báo cáo, từ 13 giờ ngày 26 đến 19 giờ ngày 27-10, thủy điện Đak Mi 4 đã vận hành hạ mực nước hồ từ cao trình 255,01 m xuống cao trình mực nước đón lũ thấp nhất 251,5 m và tiếp tục vận hành duy trì mực nước hồ đến 6 giờ ngày 28-10 theo đúng lệnh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 9, trên lưu vực hồ Đak Mi 4 có mưa đặc biệt lớn dẫn đến lưu lượng nước về hồ lớn bất thường, thời điểm cao nhất lúc 16 giờ ngày 28-10 lên đến hơn 13.398 m3/giây. Do vậy, thủy điện Đak Mi 4 buộc phải vận hành giảm lũ khẩn cấp để bảo đảm an toàn đập. Lưu lượng xả lớn nhất là 7.074 m3/giây (thấp hơn nhiều so với lưu lượng lớn nhất về hồ).

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam cho rằng việc quyết định lưu lượng xả tối đa được thực hiện từ lúc 16 giờ nhằm tranh thủ thời gian còn thuận lợi để di dời dân, nếu xả muộn hơn sẽ vừa mất an toàn đập vừa nước dâng đột ngột vào ban đêm sẽ gây hậu quả vô cùng lớn. "Tuy nhiên, với việc vận hành quá khẩn cấp như vậy nên việc thông báo cho chính quyền và nhân dân cũng có phần khẩn cấp, gây ảnh hưởng cho người dân là không thể tránh khỏi" - báo cáo nêu.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đak Mi (chủ đầu tư thủy điện Đak Mi 4), cho rằng "sự cố" hôm 28-10 là do thiên tai. "Nước về quá nhiều, mình không thể khống chế lượng nước ở trên trời đổ xuống. Thời điểm từ 13-16 giờ, trên lưu vực mưa cực lớn, gây lũ quét, đổ dồn về hồ một lúc quá lớn. Đây là một hiện tượng khá bất thường, vượt luôn cả lũ thiết kế" - ông Tấn nói và cho hay thủy điện thông báo có thể xả hơn 11.000 m3/giây nhưng lúc cao nhất chỉ xả hơn 7.000 m3/giây.

Cũng theo ông Tấn, công ty này đã cử đoàn xuống phối hợp với UBND huyện Nam Giang thống kê thiệt hại. "Công ty sẵn sàng hỗ trợ người dân bị thiệt hại, kể cả những vùng không liên quan thủy điện như xã Phước Lộc và Phước Thành, chúng tôi cũng có kế hoạch hỗ trợ" - ông Tấn nói.

Trước thông tin doanh nghiệp nói sẽ "hỗ trợ" dân, ông A Viết Sơn khẳng định: "Huyện đang thống kê, báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương, ý kiến để thủy điện Đak Mi 4 có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các hộ dân. Quan điểm của huyện là yêu cầu công ty thủy điện đền bù thiệt hại về nhà cửa, tivi, tủ lạnh, gia súc gia cầm. Liên quan đến tài sản, mất mát của người dân thì công ty phải có trách nhiệm bồi thường chứ không thể nói "hỗ trợ" được". 

"Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hôm nay (4-11), đoàn công tác của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu sẽ lên làm việc ở Nam Giang để chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo