Xẻ đồi san ủi đất phân lô bán nền làm "loạn" thị trường bất động sản đang diễn ra hết sức rầm rộ tại "TP trẻ" Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), kéo theo nhiều hệ lụy, khiến nhiều người ôm trái đắng vì bị lừa, quy hoạch địa phương bị xé nát.
Giá đất tăng đột biến
Năm 2020, UBND TP Bảo Lộc đã công bố quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành đô thị loại II, đô thị loại I vào năm 2035, đô thị sinh thái. Ngay lập tức, hàng loạt dự án bất động sản tung ra chào mời khách hàng đầu tư.
Những đồi trà tuyệt đẹp bị xẻ ngang dọc phân lô bán nền
Trên các trang mạng xã hội, nhiều dự án tại khu vực TP Bảo Lộc được giới thiệu và quảng cáo rầm rộ như: Happy Valley Bảo Lộc, Jade Garden Hill Bảo Lộc, khu dân cư Nguyễn Đình Chiểu, Đamb’ri Hill Village Bảo Lộc... Thị trường bất động sản nóng lên, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đổ về gom đất. Giá đất tăng đột biến từ vài chục đến 100 triệu đồng/sào (1.000 m2), vượt xa giá đất trước đó. Thậm chí, có những đồi cao, có tầm nhìn đẹp để săn mây... lên đến cả tỉ đồng/sào khiến TP Bảo Lộc trở thành địa phương sốt đất nhất khu vực Tây Nguyên.
Bảo Lộc từng được biết đến là thủ phủ của trà và tơ lụa. Tuy nhiên, diện tích trồng trà và năng suất trà giảm rõ rệt trước tình trạng rầm rộ xẻ dọc ngang những đồi trà Oolong cao sản để phân lô bán nền. Trong vai người đi tìm mua đất, chúng tôi đã được các nhóm "cò" đất này chào mời nhiệt tình, dẫn đến đường Lý Thường Kiệt (phường Lộc Phát), nơi có những đồi trà, cà phê thoai thoải tuyệt đẹp ven hồ Nam Phương đã được san ủi, đổ đá làm đường. Thậm chí, nhiều khu vực đã có hệ thống điện lưới, những "dự án" này được "cò đất" rao giá từ 5-10 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Chúng tôi nêu lý do tài chính hạn chế nên không có khả năng mua thì một người tên Tiến trấn an: "Các anh muốn giá cao thấp cỡ nào cũng đều có đất. Khu vực này giá đất cao là do gần trung tâm Bảo Lộc, sắp tới đường cao tốc chạy ngang qua, rồi tỉnh xây dựng phát triển lại sân bay Lộc Phát nên giá ở đây không thể thấp hơn". Sau đó, anh Tiến dẫn chúng tôi về hướng thác Đamb’ri, trên đường Lý Thái Tổ, vùng giáp ranh giữa TP Bảo Lộc và các xã Lộc Tân, Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), chỉ tay về những quả đồi trà phía xa cũng đã được cắm cọc, san ủi đất gắn biển bán đất với giá 5 triệu đồng/m2. "Đây là lúc các anh đầu tư với giá thấp do cơ quan chức năng đang siết lại quy định, khi giá tăng trở lại thì hốt bạc mấy hồi. Tụi em giới thiệu được mảnh nào chỉ hưởng lợi được 2%" - Tiến vừa chỉ tay về những quả đồi lân cận mà trước đây là những đồi trà bạt ngàn hiện đã được phân lô, đường sá được san ủi, trải nhựa. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các khu đất được quảng cáo chào bán đều được vẽ 3D, chụp ảnh flycam, sơ đồ phân lô rất chuyên nghiệp. Tuy vậy, theo người dân địa phương, rất nhiều "dự án" ở đây chưa được cấp phép nhưng một số cá nhân, tổ chức đã tự đầu tư làm đường nhựa, phân lô, cắm mốc và rao bán.
Ông Trần Đại Bình, Giám đốc Công ty Trà Thiên Thành Bảo Lộc, chia sẻ: Nếu tình trạng phân lô bán nền này diễn ra rầm rộ thì ngành trà của TP này sẽ lâm nguy, sụt giảm cả về diện tích và sản lượng.
"Ngành trà Bảo Lộc đang theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển du lịch trên chính những đồi trà hiện hữu không mở rộng diện tích nhưng không khuyến khích thu hẹp diện tích trồng trà, xẻ đồi ủi đất bán nền như hiện nay. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng khẩn cấp cứu ngành trà" - ông Trần Đại Bình nói.
Hầu hết là "dự án ma"
Ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, nhận định: "Giá đất tăng theo nhu cầu của thị trường, TP đang kêu gọi đầu tư, sắp công bố quy hoạch mới nên nhiều người quan tâm; thị trường bất động sản sôi nổi không có gì bất thường, người dân được lợi. Các nhà đầu tư sẽ tính toán dựa vào thực tế nên không lo ngại giá đất sẽ làm ảnh hưởng đến quy hoạch".
Theo ông Triệu, chính quyền đã chuẩn bị sẵn sàng cho nhà đầu tư xây dựng một TP Bảo Lộc theo chủ trương quy hoạch đã phê duyệt. Trong đó, có hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, nước đấu nối tới tận chân khu vực đề xuất dự án; nhà đầu tư nghiên cứu và đề xuất quy mô của dự án cho phù hợp theo tiêu chuẩn một đô thị xanh, hiện đại để được phê duyệt, triển khai.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, luật sư Vũ Văn Biển, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc các cá nhân mua khu đất lớn và tách thành nhiều lô nhỏ hơn theo đúng quy định (áp dụng quy định của UBND tỉnh về tách thửa) sau đó chuyển mục đích sang thổ cư (nếu đáp ứng quy hoạch sử dụng đất) là việc làm phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng không quản lý chặt sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Bài học sốt đất ảo, người mua ngậm trái đắng đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành vừa qua như ở Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước...
Ông Đoàn Kim Đình, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, cảnh báo: "Sự xuất hiện của những khu đất quảng cáo phần lớn là dự án "ma", không phải là dự án dân cư vì các nơi này hầu như không có phép. UBND TP Bảo Lộc cũng đã có văn bản chấn chỉnh công bố rộng rãi, giúp người mua tránh rủi ro".
UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, TP về việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị tách thửa đối với một số loại đất trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, TP chỉ xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị tách thửa theo đúng mục đích sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Quy định về tách thửa ở tỉnh Lâm Đồng
Từ ngày 8-2, tỉnh Lâm Đồng sẽ áp dụng quy định mới về điều kiện tách, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu đối với từng loại đất. Trường hợp chưa có quy định dạng kiến trúc nhà ở thì diện tích đất tối thiếu là 72 m2 và kích thước chiều rộng mặt đường 4,5 m. Đối với thửa đất ở thuộc quy hoạch sử dụng đất (hoặc quy hoạch phân khu) là đất nông nghiệp và đối với thửa đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 500 m2.
Bình luận (0)