icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết Người thầy kính yêu: Miệt mài giúp học trò chạm tới ước mơ

Nguyễn Trần Thanh Trúc (TP Thủ Đức, TP HCM)

Tình thương của cô giáo Thái Thị Xuân Thủy dành cho học trò là vô điều kiện và tôi mãi khắc ghi trong lòng

Dịp lễ 30-4 vừa rồi, tôi liên lạc với cô giáo Thái Thị Xuân Thủy - 54 tuổi; Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, giảng dạy môn ngữ văn tại Trường THPT Võ Lai, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định - khi cô đang miệt mài bên trang giáo án. "Niềm vui của cô là có thời gian đầu tư vào việc giảng dạy" - cô bày tỏ.

Tận tình dìu dắt

Giọng nói thân thương, quen thuộc của cô Thái Thị Xuân Thủy làm sống dậy một trời ký ức trong tôi.

Vào ngành từ năm 1994, cô Thủy đã đưa rất nhiều học sinh qua những chuyến đò tri thức. Những chuyến đò với bao "ước mơ con" đã thành hình từ vô vàn ký thác: bác sĩ, kỹ sư, luật sư hay là nhà giáo như cô. Tôi cũng là một người đi đò may mắn trong hành trình được cô dìu dắt. Đó là một hành trình mang nhiều cảm xúc.

Cuộc thi viết Người thầy kính yêu: Miệt mài giúp học trò chạm tới ước mơ- Ảnh 1.

Cô Thái Thị Xuân Thủy (thứ 2 từ phải qua) trong một sự kiện ở Trường THPT Võ Lai. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tôi gặp cô Thủy lần đầu vào năm lớp 10, lúc cô giảng dạy môn ngữ văn. Ấn tượng đầu tiên về cô là một giáo viên đứng tuổi với mái tóc tém, luôn mặc áo sơ mi ngắn tay và quần tây sẫm màu. Vài bạn trong lớp lo lắng vì trông cô có vẻ rất nghiêm khắc. Nhưng chỉ sau vài tiết học, định kiến dần bị phá vỡ. Bên trong vẻ mạnh mẽ, khô cứng ấy là một trái tim mềm mại, hết lòng vì học sinh.

Đến cuối năm lớp 10, tôi được chọn vào lớp bồi dưỡng học sinh giỏi môn văn, qua kết quả học tập và một câu hỏi tưởng như đùa của cô: "Muốn thi cấp tỉnh không Trúc?". Cái gật đầu ngay tắp lự đã đưa tôi vào hành trình ôn luyện suốt mấy tháng hè kế tiếp. Những xấp đề thi của các năm, những nội dung nâng cao hay kiến thức đại cương của các thời kỳ văn học… được cô tổng hợp chỉn chu và đóng thành tập giấy khổ A4 phát cho mỗi đứa. Cô không ép chúng tôi phải "học ngày cày đêm". Thứ cô truyền đạt cho chúng tôi là tư duy văn học, là cách tiếp cận đề bài và sự gợi mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân.

"Văn chương không phải là rập khuôn theo cái có sẵn" - cô bảo, rồi cười xòa mỗi lúc có học sinh quay lại cảm ơn khi đoạt giải thưởng: "Đều là nhờ năng khiếu và sự nỗ lực của các em".

Nâng đỡ bằng lòng yêu thương, sự tử tế

Ngày ấy, tôi đậu Trường ĐH Luật TP HCM nhưng cánh cửa giảng đường vẫn mới chỉ chớm hé. Là đứa trẻ thuộc gia đình khó khăn, việc tôi có thể vào đại học hay không còn là một ẩn số. Trong chuỗi ngày đằng đẵng sau khi nhận kết quả là bao đêm thức trắng của tôi bên tờ giấy báo trúng tuyển, là những giọt nước mắt lăn dài...

Cô Thủy hẹn gặp tôi vào một buổi chiều vừa tắt nắng. Bên ly cà phê, cô trò lặng im chừng 10 phút. Dường như có quá nhiều điều để nói, lại như thể chẳng cần diễn tả thành lời nữa nhờ sự thấu cảm từ cô. Rồi cô rút ra một phong bì nhỏ, đặt trên bàn nước. "Không đáng bao nhiêu, em nhận lấy, coi như tiền xe vào TP HCM nhập học" - cô nhỏ nhẹ rồi hiền từ nhìn tôi.

Ánh nhìn của cô đầy sự xót xa dành cho đứa học trò nhỏ đang gặp cảnh khốn khó. 500.000 đồng lúc ấy khá lớn, đủ tiền xe cho một chuyến khứ hồi. Tôi thoái thác thật lâu, cuối cùng nhận lấy lòng tốt đó sau câu nói của cô: "Mai mốt ra trường rồi em muốn trả thế nào cũng được. Nhưng trước mắt, em cần vào đại học".

Cầm phong bì trên tay, tôi thấy lòng mình thổn thức. Sự thổn thức xộc thẳng lên mắt, làm nhòe ướt hàng mi. Dường như cô cũng vội lau khóe mắt ửng đỏ.

Từ 500.000 đồng của cô, tôi đặt bước chân đầu tiên vào cánh cổng Trường ĐH Luật TP HCM. Ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, vừa rút điện thoại gọi cho cô Thủy là tôi khóc òa. Những giọt nước mắt ấy tôi đã kìm nén từ 4 năm trước, trong buổi chiều ở quán nước. Những giọt nước mắt ấy có niềm hạnh phúc xen lẫn biết ơn. Dường như nói cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, tôi nghe đầu kia tiếng cô sụt sịt khi bày tỏ vui mừng với học trò cũ…

Chỉ còn 3 năm nữa là cô Thủy về hưu nhưng lần nào tôi điện thoại thăm hỏi thì cô luôn bảo đang chuẩn bị kế hoạch giảng dạy hoặc bận công việc trường lớp. Người chèo đò ấy vẫn miệt mài với sứ mệnh cao cả, thỉnh thoảng hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn cần tiếp bước đến trường như tôi thuở trước.

Chẳng bao giờ đòi hỏi sự báo đáp, cô cho đi vô tư với mong muốn duy nhất là chúng tôi chạm tới ước mơ, trở thành người có ích cho xã hội. Cô không chỉ truyền tình yêu môn văn cho tôi mà còn truyền cả sự tử tế và yêu thương… 

Ngọn lửa không bao giờ tắt

Dù sau này không theo nghiệp văn hay nghề giáo như cô Thủy mà rẽ hướng chọn ngành luật, tôi vẫn luôn nuôi tình yêu ấy như một ngọn lửa không bao giờ tắt trong tim mình. Để rồi, trong những bài tranh biện, câu chữ của tôi trở nên gãy gọn, lưu loát; trong những lần phân tích tình tiết vụ án, tôi có thêm sự dịu dàng và cảm thông mà xem xét "đúng lý, hợp tình". Tôi cứ thế trưởng thành từng ngày qua những bài dạy của cô, biến sự yêu thương cô gửi thành động lực để sống tốt hơn nữa.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo