Liên quan đến tình trạng trục lợi hoặc tranh chấp giữa BQT, ban quản lý, cư dân, chủ đầu tư hiện nay ở các chung cư thường là do nhiều mâu thuẫn kéo dài. Một trong những nguyên nhân nổi cộm hiện nay đó là lợi ích nhóm của BQT.
Ở một vài nơi, BQT xem công việc mình làm trở thành một "nghề" để kiếm thu nhập, trong đó có nguồn thu không minh bạch. Kẽ hở chính là cơ chế giám sát BQT không cụ thể, rõ ràng. Khi người dân phát hiện những sai phạm của BQT, họ thường gọi chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đôi lúc thờ ơ, xem đó là chuyện nội bộ của chung cư, thậm chí chính quyền địa phương cũng chưa hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan quy chế quản lý, vận hành nhà chung cư hay quyền và trách nhiệm của BQT.
Chúng ta dễ nhìn thấy nhóm lợi ích cá nhân của các thành viên BQT được thể hiện qua các hành vi cụ thể. Thứ nhất, phát hành hồ sơ mời thầu bằng hình thức bán hồ sơ mời thầu. Có những chung cư bán tiền mua hồ sơ dự thầu quản lý vận hành hoặc bảo hiểm cháy nổ, bảo trì hệ thống trong nhà chung cư có giá phát hành hồ sơ từ 500.000 đồng, thậm chí 5 triệu đồng. Mà những số tiền này đi đâu về đâu hoàn toàn không có trong các báo cáo hoạt động của BQT. Thứ hai, việc mời thầu và gửi giá dự thầu trong các hồ sơ dự thầu để tạo nhóm lợi ích cá nhân. Thứ ba, ngụy tạo các hồ sơ, chứng từ sửa chữa để rút tiền quỹ bảo trì và một số vấn đề liên quan đến việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành.
Tiếp theo là câu chuyện BQT tự ý thuê công ty quản lý riêng, thuê công ty bảo vệ riêng, thuê công ty vệ sinh riêng, thuê các công ty bảo trì riêng và BQT ký trực tiếp với từng đơn vị. Điều này theo quy định của luật là sai, nhưng do sự thiếu chặt chẽ trong quản lý giám sát, không có chế tài hành chính hay thậm chí bằng hình sự hóa.
Biện pháp để ngăn ngừa các hành vi sai phạm, trục lợi tại chung cư đó là pháp luật phải nghiêm minh. Tiếp theo, với những nguồn tiền liên quan đến quỹ bảo trì, cần quy định rõ ràng là phải thực hiện qua chuyển khoản. Có như vậy, dù có trôi qua thời gian dài nhưng khi cần, cơ quan chức năng vẫn có thể nhờ ngân hàng sao kê lại và biết được những khoản bảo trì, sửa chữa, thay thế thiết bị có đúng với thực tế hay không. Trường hợp ban quản lý của chung cư nào tiếp tay với BQT để xảy ra sai phạm thì bản thân ban quản lý cũng phải chịu trách nhiệm cùng với BQT.
Quan trọng hơn nữa, cơ quan chủ quản như bộ, sở, ngành cần thiết lập đường dây nóng tiếp nhận các thông tin tố giác sai phạm xảy ra tại nhà chung cư để người dân biết, liên hệ phản ánh.
Sơn Nhung ghi
Bình luận (0)