Dự kiến chuyến du lịch tại Việt Nam của vị tỉ phú này kéo dài 5 ngày, là cơ hội để ngành du lịch TP Đà Nẵng nói riêng và cả nước quảng bá điểm đến, thu hút thêm nhiều du khách quốc tế, đặc biệt là phân khúc khách cao cấp.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 17-18 triệu lượt khách quốc tế và hiện có nhiều cơ hội. Các sản phẩm dịch vụ cũng ngày càng hoàn thiện sau dịch COVID-19 và giai đoạn 2023-2024 sẽ là cơ hội để bứt phá, khôi phục trở lại cả về nguồn nhân lực và dịch vụ.
Khi khách quốc tế chọn tới Việt Nam, đặc biệt là khách cao cấp cần những thương hiệu dẫn đầu, định vị yếu tố cạnh tranh trong khu vực. Thời gian qua, nhiều điểm đến ở Việt Nam đã được bình chọn là những thương hiệu dẫn đầu của khu vực với cảnh đẹp, danh thắng; nhiều vùng ven biển từ Quảng Ninh tới Đà Nẵng có cảnh đẹp xếp vào hàng trứ danh của thế giới; hay Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc đều có những điểm đến phù hợp tổ chức sự kiện đẳng cấp. Rất nhiều khách sạn, resort 5-6 sao có kiến trúc tinh tế, không gian, cảnh quan đặc sắc… đáp ứng nhu cầu của khách nhà giàu.
Với khách cao cấp, thời gian qua không chỉ câu chuyện tỉ phú Bill Gates quay trở lại du lịch sau nhiều năm, trước đó, những đám cưới tỉ phú Ấn Độ được tổ chức ở Đà Nẵng, Phú Quốc cũng rất thành công và lan tỏa mở ra cơ hội cho du lịch Việt Nam đối với phân khúc này.
Một thông tin thú vị từ truyền thông cho thấy tỉ phú Bill Gates tới Việt Nam sau khi dự đám cưới của con một tỉ phú người Ấn Độ. Những chuyến du lịch của các tỉ phú tới những điểm đến, sẽ trở thành cơ hội tuyệt vời để quảng bá cho du lịch Việt Nam nếu làm tốt về dịch vụ, sản phẩm và cung cấp cho du khách những trải nghiệm hoàn hảo.
Bởi những tỉ phú thường tạo tầm ảnh hưởng và tạo xu hướng dẫn dắt cảm xúc, thói quen tiêu dùng của người du lịch. Nếu so với nhiều điểm đến trong khu vực, Việt Nam có thể coi là "lợi thế vàng" về yếu tố chính trị ổn định, an ninh an toàn tuyệt đối…
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng định hướng thu hút phân khúc khách MICE (khách dự hội thảo, sự kiện kết hợp nghỉ dưỡng), định vị một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng…
Để khai thác hiệu quả, đón thêm nhiều khách tỉ phú, khách nhà giàu, cần tiếp tục xây dựng những thương hiệu dẫn đầu, xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng để gây thương nhớ cho du khách, đồng thời cần nâng cấp chuỗi cung ứng thành chuỗi giá trị du lịch.
Muốn vậy, yếu tố riêng tư của nhóm khách này trong câu chuyện đón, quảng bá, xúc tiến cũng rất quan trọng. Những khách này thường rất kỹ tính và khắt khe trong dịch vụ. Khách cần không gian riêng tư để hòa vào cuộc sống chân thực của điểm đến. Chất lượng dịch vụ phải thể hiện bản sắc du lịch, bán câu chuyện và bán cảm xúc…
Đáp ứng được nhu cầu của họ sẽ là cơ hội để nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam. Nếu làm được vậy, khách sẽ đến và trở lại.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)