Chính sách này cần nhân rộng hơn để học sinh được thụ hưởng công bằng trong giáo dục
Trong số 10 tỉnh, thành thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh (HS) mầm non và phổ thông, 8 địa phương miễn 100% là Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Yên Bái, Vĩnh Phúc.
Hàng trăm tỉ đồng hỗ trợ học phí
Mới đây, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nghị quyết hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, HS phổ thông tại các trường tiểu học, THCS, THPT công lập và ngoài công lập; HS học chương trình giáo dục thường xuyên trên địa bàn năm học 2024-2025, kinh phí khoảng 142 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh.
Từ các năm học tiếp theo, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, HS phổ thông, HS học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trên địa bàn tỉnh theo khung học phí mới và ổn định ngân sách giai đoạn 2025-2028.
Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện chính sách miễn học phí cho HS các cấp. Bốn năm nay, mỗi năm Hải Phòng dành khoảng 400 tỉ đồng để miễn học phí cho HS.
Năm học 2024-2025, Quảng Ninh quyết định miễn toàn bộ học phí cho gần 244.000 trẻ mầm non, HS công lập từ lớp 1 đến 12. Với chính sách miễn học phí của tỉnh, gần 244.000 HS của gần 165.000 hộ gia đình được hưởng hỗ trợ. Dự kiến kinh phí hỗ trợ trong năm học 2024-2025 khoảng 167 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Sở GD-ĐT TP HCM cũng đã có tờ trình về hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi, HS THPT công lập, ngoài công lập và học viên GDTX hệ THPT trên địa bàn từ năm học 2025 - 2026. Sự hỗ trợ này không bao gồm các HS đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ về chính sách miễn, giảm học phí cho HS, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho hay đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện quy định đối với những khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2024-2025.
Cụ thể, đối với học phí năm học 2024-2025, thực hiện mức thu theo đúng quy định tại Nghị định 97 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập). Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập ngoài học phí được thực hiện theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh ban hành, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Thụ hưởng công bằng giáo dục
Nhận định về chính sách miễn, giảm học phí cho HS của nhiều địa phương, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng đây là chính sách mang ý nghĩa nhân văn, chiến lược của việc đầu tư cho giáo dục.
"Đây là hoạt động thiết thực trong quyết tâm thực hiện "giáo dục là quốc sách hàng đầu". Từ đó, tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục, để không ai bị bỏ lại phía sau" - ông Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận.
Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cho rằng chính sách này rất cần thiết được sớm nhân rộng. Hiện nay, Hà Nội thu học phí bằng mức học phí của năm học 2021-2022.
Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá chính sách miễn, giảm học phí là chính sách nhân văn, có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. "Dù khoản chi này có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng ở mỗi địa phương nhưng nếu đầu tư vào giáo dục, đầu tư cho thế hệ trẻ thì tôi tin đó là khoản chi rất ý nghĩa, rất hiệu quả" - giảng viên này nhận định.
Cũng chung quan điểm này, TS Trần Văn Hùng, Phó trưởng Khoa Công nghệ - Kỹ thuật, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng trong điều kiện còn nhiều khó khăn, việc miễn, giảm học phí cho HS sẽ thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến GD-ĐT, tạo điều kiện học tập tốt cho HS.
"Việc miễn, giảm học phí ở các địa phương đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa tích cực đến nhiều địa phương khác. Chính sách nhân văn này nhận được sự ủng hộ tích cực từ xã hội, đặc biệt là các bậc cha mẹ HS, bởi gia đình nào cũng có con cháu đi học. Dù học phí phổ thông không nhiều nhưng nếu việc miễn, giảm được triển khai sẽ bớt gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình" - TS Trần Văn Hùng nhấn mạnh.
Quan tâm đặc biệt đến học sinh vùng lũ
Sau cơn bão số 3 (Yagi), Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục căn cứ mức độ thiệt hại của người dân, xem xét, quyết định hỗ trợ học phí; không thu học phí đối với trẻ em mầm non, HS phổ thông theo thẩm quyền và các quy định của pháp luật hiện hành để chia sẻ, hỗ trợ người dân, nhất là với HS vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai.
Bình luận (0)