Các loại điện thoại bàn không dây DECT 6.0 (điện thoại “mẹ bồng con”) có khả năng tác động mạnh đến mạng 3G khiến cho mạng hoạt động thiếu ổn định, chập chờn. Các cơ quan quản lý khuyến cáo người dân cần tìm hiểu về các loại điện thoại này trước khi sử dụng hay kinh doanh để tránh ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng cũng như vi phạm pháp luật.
Gây rớt mạng 3G
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã cấp các giấy phép hoạt động 3G cho những mạng di động có dải tần lên (up link) từ 1.900-1.980 MHz. Trên thị trường xuất hiện nhiều loại điện thoại “mẹ bồng con” có tần số 1.920-1.930 MHz có tính năng nhảy tần và rơi đúng vào băng tần up link của MobiFone gây can nhiễu mạng di động này. Ngoài ra, sử dụng các loại điện thoại này cách trạm thu phát sóng 3G của các mạng di dộng trong bán kính từ 100-200 m cũng gây can nhiễu. Khi mạng 3G bị can nhiễu sẽ xảy ra hiện tượng rớt mạng, không thực hiện được cuộc gọi hoặc nhận cuộc gọi, truy cập chập chờn các dịch vụ 3G như internet, xem tivi, gọi thoại video…
Đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết: “Công nghệ truyền thông không dây số cải tiến DECT đã tạo sự thuận tiện cho người dùng cá nhân, các doanh nghiệp qua các ứng dụng linh hoạt, tiết kiệm chi phí. Nhưng để phát huy các yếu tố tích cực, các thiết bị ứng dụng DECT cần phải đáp ứng tiêu chuẩn và phù hợp với quy định, quy hoạch phổ tần số tại mỗi nước. Tại Việt Nam, các loại điện thoại này sử dụng băng tần 1.920-1.930 MHz, trùng với băng tần hướng lên được cấp cho mạng 3G WCDMA của mạng MobiFone (1.920-1.935 MHz), gây can nhiễu, ảnh hưởng đến an toàn thông tin, quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ di động 3G”.
Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết từ tháng 5 đến nay, đã nhận được hơn 50 kháng nghị can nhiễu từ 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone. Can nhiễu xảy ra trên các băng tần số 900 MHz, 1.800 MHz và 2.100 MHz đã được cấp phép sử dụng cho hệ thống 2G, 3G. Các vụ can nhiễu đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ của các nhà mạng thông tin di động như: tỉ lệ rớt cuộc gọi tăng cao bất thường, suy giảm tốc độ kết nối, thậm chí làm gián đoạn kết nối mạng 3G.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Theo kết quả đo đạc, kiểm tra, kiểm soát sóng vô tuyến điện của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn TP HCM có một số tổ chức, cá nhân đang sử dụng điện thoại “mẹ bồng con” DECT 6.0 được nhập vào Việt Nam dưới hình thức hàng nhập lậu, xách tay không được đăng kiểm và công bố hợp chuẩn, hợp quy. Trong số này, điện thoại hiệu Panasonic chiếm số lượng lớn như Panasonic KX-TGA641, 1031, 931T, 4111C và các nhãn hiệu khác như: Thompson (28214 KE2-A, TC28811FE2A), AT&T DECT 6.0, V-Tech LS6125-2 DECT 6.0, Uniden DECT 1362, Uniden DECT3080-3 Ultra Thin DECT 6.0...
Theo Sở TT-TT TP HCM, các tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng loại điện thoại không dây đã được hợp chuẩn theo quy định tại Thông tư số 03/2012/TT-BTTTT của Bộ TT-TT. Danh sách các loại điện thoại để bàn không dây được phép sử dụng ở Việt Nam được đăng tải tại: http://www.rfd.gov.vn. Ngoài ra, các thiết bị này cần có tem kiểm định chất lượng CR dán trên thiết bị thì mới được lưu hành và sử dụng.
Sở TT-TT TP HCM cũng đã đề nghị các quận, huyện trên địa bàn TP tuyên truyền, yêu cầu các tổ chức, cá nhân ngừng kinh doanh, sử dụng điện thoại cố định không dây chuẩn DECT 6.0 không đúng quy định về quy hoạch phổ tần số, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thiết bị vô tuyến điện. Các địa phương cần tích cực phối hợp, hỗ trợ thanh tra sở và Trung tâm Tần số vô tuyến điện thanh tra (định kỳ hoặc đột xuất), rà soát, tìm kiếm các nguồn phát sóng điện thoại DECT 6.0, sử dụng thiết bị liên lạc nội bộ (máy bộ đàm) không hợp chuẩn để xử lý.
Sở TT-TT TP HCM cho biết theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông, nếu người dùng cá nhân sử dụng điện thoại DECT 6.0 gây ảnh hưởng đến mạng viễn thông có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng, bị tịch thu, tiêu hủy phương tiện. Với người kinh doanh các thiết bị này, có thể bị phạt từ 2-70 triệu đồng.
Thay đổi quy định để ngăn chặn
Theo Tổng cục Hải quan, có tình trạng đưa thiết bị DECT 6.0 từ nước ngoài về Việt Nam sử dụng là do các thiết bị này nằm trong diện hành lý ký gửi, xách tay, phi mậu dịch... Theo một số quy định của Bộ TT-TT, hàng hóa này được phép đưa về Việt Nam và không phải xin giấy phép của Bộ TT-TT. Do đó, việc quản lý của hải quan gặp nhiều khó khăn với các thiết bị này. Vì vậy, cần sửa đổi lại các quy định kiểm soát thiết bị vô tuyến điện ngoài luồng từ cửa khẩu mới hiệu quả, đồng thời bổ sung văn bản quy định về danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu để ngăn chặn hoàn toàn ngay từ đầu việc nhập khẩu các thiết bị phát sóng vô tuyến điện không phù hợp vào Việt Nam.
Bình luận (0)