Hơn 4 tháng nay, nhiều hộ dân sống quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Gò Cát (quận Bình Tân) - 2 bãi rác đóng cửa trên 10 năm - như "mở cờ trong bụng" khi chính quyền TP HCM tiến hành kêu gọi đầu tư cải tạo môi trường nơi đây.
Đã xanh nhưng chưa thật sạch
Những ngày đầu năm 2020, đi một vòng quanh bãi rác Đông Thạnh, quả thật đã bắt đầu khó nhận ra đây từng là bãi rác lớn nhất TP những năm 1990, với việc bãi rác cao ngất đã được phủ đỉnh bằng đất một quả đồi nhỏ. Phía trên đỉnh đồi, nhiều nhà kính được xây dựng để trồng dưa lưới, cà chua, dưa leo…
Dù được phủ đỉnh bằng đất với phía trên cây cỏ đã mọc xanh nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường ở bãi rác Đông Thạnh vẫn chưa được xử lý dứt điểm
Cầm bản photocopy về chủ trương xử lý môi trường bãi rác Đông Thạnh trên tay, ông Ước nói rất vui và mong ngóng từng ngày
Tuy không còn thấy rác nhưng ông Trần Văn Ước (66 tuổi, nhà sát bãi rác Đông Thạnh) lại cho biết cư dân nơi đây vẫn phải từng ngày hứng chịu ô nhiễm vì môi trường của bãi rác chưa được xử lý, còn mùi hôi, nước ngầm bị ảnh hưởng. "Hơn ai hết, khi hay tin lãnh đạo TP quan tâm tìm giải pháp xử lý môi trường bãi rác một cách triệt để, chúng tôi rất mừng. Mong sau khi xử lý, nơi đây sẽ là một công viên xanh hay khu sinh thái có máy tập thể dục để người dân vui chơi, rèn luyện sức khỏe, coi như "bù đắp" cho những thiệt thòi nhiều năm" - ông Ước nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương (ngụ ấp 2, xã Đông Thạnh; cách bãi rác 500 m) cho rằng cái giá người dân quanh khu vực phải trả cho ô nhiễm môi trường là không nhỏ vì hiện vẫn phải hứng chịu dù có ít hơn. "Thế nên, chỉ mong TP sớm tìm nhà đầu tư thích hợp biến bãi rác thành công viên, khu thể dục thể thao để người dân có sân chơi, rèn luyện sức khỏe. Nếu có khu đô thị, chung cư cao tầng thì lưu ý tạo mảng xanh, tránh tình trạng tận dụng hết quỹ đất mà quên quyền lợi người dân" - bà Hương đề xuất.
Rời bãi rác Đông Thạnh, chúng tôi đến bãi rác Gò Cát (Quốc lộ 1, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), cách đó vài trăm mét là hàng chục cơ sở sửa chữa, mua bán máy móc, đồ điện công nghiệp hoạt động sầm uất.
Chỉ tay về phía đồi rác xanh cây cỏ, ông Nguyễn Kim Anh (ngụ hẻm 611 Quốc lộ 1) kể gia đình ông về đây từ năm 2000, lúc đó còn thuộc huyện Bình Chánh. Do ảnh hưởng mùi hôi từ bãi rác nên mỗi hộ dân được phụ cấp 180.000 đồng/tháng tiền độc hại. Từ năm 2007, khi bãi rác đóng cửa thì không còn được nhận tiền nữa, dù vấn đề ô nhiễm môi trường ở bãi rác vẫn còn. "Chỉ mong TP sớm xử lý dứt điểm môi trường bên trong bãi rác là chúng tôi vui lắm rồi" - ông Kim Anh nói.
15 nhà đầu tư gửi phương án
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, trên địa bàn TP hiện có 3 bãi rác đã đóng cửa, gồm bãi rác Đông Thạnh (diện tích chôn lấp 20 ha, khối lượng rác chôn lấp hơn 10,8 triệu tấn, đóng cửa năm 2002), bãi rác Gò Cát (diện tích chôn lấp 17,5 ha, khối lượng chôn lấp 5,6 triệu tấn, đóng cửa năm 2007) và bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi, diện tích 48 ha, khối lượng chôn lấp hơn 8,2 triệu tấn, đóng cửa năm 2014).
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, trong 3 bãi rác trên, chỉ có 2 bãi chôn lấp là Đông Thạnh và Gò Cát đã đóng cửa trên 10 năm, đủ điều kiện xử lý rác chôn lấp và cải tạo môi trường theo quy định. Theo đó, khi UBND TP có chủ trương mời gọi các doanh nghiệp hợp tác công - tư phủ đỉnh, cải tạo 2 bãi rác này, đến nay đã có 15 nhà đầu tư gửi phương án đầu tư theo mời gọi của TP. Nhiều đề xuất của các nhà đầu tư như đào lượng rác đã chôn lấp để tái chế thành vật liệu xây dựng, phân hữu cơ, tạo quỹ đất sạch đầu tư công viên, khu đô thị, sân golf…
"Hiện nay, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở TN-MT soạn thảo các quy chuẩn, tiêu chí về môi trường, công nghệ, cơ chế đầu tư và dự kiến trình TP trong quý I/2020 để trên cơ sở đó, TP kêu gọi, chọn lựa nhà đầu tư phù hợp theo quy định pháp luật" - ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin và nhấn mạnh trong tất cả tiêu chí, môi trường là quyết định. Do đó, yêu cầu đầu tiên của TP khi lựa chọn nhà đầu tư là phải xử lý bảo đảm về môi trường, tránh ảnh hưởng khu vực lân cận.
Trước đó, liên quan chủ trương cải tạo các bãi chôn lấp Đông Thạnh và Gò Cát, TP đã có công văn chỉ đạo UBND quận Bình Tân, huyện Hóc Môn rà soát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch khu vực các bãi rác này theo hướng bổ sung những khu chức năng khác.
Vì sao đóng cửa?
Bãi chôn lấp rác Đông Thạnh được hình thành và tiếp nhận rác sinh hoạt vào năm 1991. Đến năm 1998, UBND TP HCM có quyết định đầu tư dự án công trường xử lý rác Đông Thạnh, rác thải của TP được đưa về đây xử lý bằng cách chôn lấp, không có lớp lót đáy chống thấm khiến người dân phản ánh về mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước. Cuối năm 2002, bãi rác Đông Thạnh ngừng tiếp nhận rác với lượng rác hơn 10,8 triệu tấn.
Bãi rác Gò Cát bắt đầu tiếp nhận rác từ năm 2001, theo thiết kế của Công ty Vermeer (Hà Lan) nên có lớp nhựa HDFE lót đáy chống thấm. Trong thời gian hoạt động, bãi rác này vẫn gây mùi hôi và bị người dân phản ánh. Năm 2006, bãi rác Gò Cát tiếp nhận dự án thí điểm đốt rác phát điện của Công ty TNHH Thủy lực - Máy với công suất khoảng 2.400 KWh/ngày. Đến tháng 8-2007, bãi rác đóng cửa với lượng rác chôn lấp gần 6 triệu tấn.
Bình luận (0)