Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết dù có vị thế đặc biệt sát các dòng hải lưu, hệ sinh thái biển đa dạng sinh học bậc nhất cả nước nhưng nhiều năm qua, tỉnh này luôn phải đối mặt với tình trạng suy kiệt thủy sản ven bờ.
Suy kiệt nghiêm trọng
Ông Nguyễn Ngọc Duy (ngụ phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) nói khoảng 15-20 năm trước, đêm dong tàu đi, sáng tàu về là đầy ắp cá tôm, cua ghẹ. Ngư dân khi đó chỉ cần đánh một ngày có thể nghỉ 4 - 5 ngày sau mới đi biển lại. Thế nhưng thời gian gần đây, hầu như đi biển ngày nào chỉ tìm được cái ăn ngày đó.
Ngư dân Nguyễn Chí Lem (huyện Vạn Ninh) cho biết việc suy kiệt tài nguyên thủy sản rõ nhất ở con giống tôm hùm. Trước đây, mỗi con tôm hùm con làm giống chỉ 50.000 đồng nhưng nay lên đến 500.000 đồng/con. Thậm chí có thời điểm khan hiếm không có giống tôm phải nhập khẩu từ các nước lân cận.
Ngay tại TP Nha Trang có Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang (Hòn Mun) thế nhưng vẫn bị các tác động xấu như: tàu du lịch xả thải rác sinh hoạt, dầu chạy tàu loang trên biển, ô nhiễm môi trường, đánh bắt trái phép…
Khai thác thủy sản ven bờ đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên
Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học, đánh giá hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người như lấn chiếm, hủy hoại, khai hoang rừng ngập mặn, hủy diệt các vùng rạn san hô, thảm cỏ biển để xây dựng bến tàu, cảng… đã và đang hủy hoại nhiều hệ sinh thái biển, làm mất đi môi trường sinh sản của các loài thủy sản quý hiếm.
Trong khi đó, ông Võ Khắc Én cho biết Khánh Hòa là địa phương có rất nhiều đầm vịnh như: Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, đầm Thủy Triều, đầm Nha Phu… với nguồn lợi thủy sản ven bờ rất lớn. Tuy nhiên, do khai thác quá mức nên nguồn lợi đã suy giảm nhanh chóng. Nguyên nhân là do người dân sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt như: đăng đáy, giã cào, lờ dây... Khi khai thác bằng những cách này, hải sản lớn bé đều bị tận diệt.
Tại Bình Thuận, tình trạng suy kiệt thủy sản xảy ra tương tự Khánh Hòa. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết tình trạng khai thác thủy sản ven bờ tại tỉnh này cũng đang báo động vượt ngưỡng an toàn. Tỉnh hiện có gần 2.000 tàu cá, do đó tốc độ khai thác thủy sản vượt quá khả năng phục hồi tự nhiên. Đơn cử như xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam), nguồn lợi sò lông ở vùng biển này được đánh giá trữ lượng khoảng 25.000 tấn, năm 1997 chỉ còn dưới 1.000 tấn, đến năm 2014 thì còn vài trăm tấn. Thu nhập của cộng đồng ngư dân ở đây bị giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.
Mô hình cộng đồng quản lý
Theo ông Huỳnh Quang Huy, để chấn chỉnh tình trạng suy kiệt thủy sản ven vờ, năm 2015, tỉnh Bình Thuận đã xin tài trợ thực hiện dự án "Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam".
Theo mô hình này, quản lý vùng khai thác có đại diện các hộ dân hành nghề khai thác thủy sản tại địa phương. Người dân và cơ quan chức năng sẽ thả xuống biển sò lông con để phục hồi nguồn lợi tại 8 điểm chà và tiến hành thả 10 điểm chà kiên cố để bảo vệ và thu hút các loài hải sản đến sinh sống. Mọi người tham gia cùng bảo vệ và tạo thành các vùng phục hồi, vùng khai thác…
Sau 30 tháng thí điểm, sò lông đã phục hồi đáng kể và phát triển không ngừng kể cả vùng trước đây không có sò lông. Người dân khai thác sò lông đạt hiệu quả cao, đúng kích cỡ, bền vững.
"Từ hiệu quả mô hình này, huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục mở rộng dự án thêm 2 xã khác. Đến cuối năm 2021, nếu 2 xã cùng đạt được hiệu quả thì huyện này trở thành huyện đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công mô hình quản lý khai thác thủy sản cộng đồng một cách bền vững" - ông Huy cho biết.
Trong khi đó, tại tỉnh Khánh Hòa, ngành thủy sản liên tục tổ chức thả xuống đầm, vịnh hàng triệu con giống thủy sản mỗi năm gồm: tôm sú, hải sâm, tu hài, cá mú, cá chẽm, cá bớp, cá ngựa, ngao, sò... UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành quy chế quy định nghiêm ngặt về đánh bắt thủy hải sản ven bờ, trong đó cấm tất cả nghề lưới kéo; cấm các nghề đăng, đáy hoạt động trong đầm Thủy Triều, đầm Nha Phu; cấm tàu có công suất lớn hơn 90 CV hoạt động vùng ven bờ...
Trong năm 2019, qua tuần tra, kiểm tra trên biển, lực lượng chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện, xử phạt 98 phương tiện vi phạm với tổng số tiền gần 225 triệu đồng; thu giữ 90 bộ lồng cào sò, lưới giã cào, 24 súng điện. Năm 2020, tình trạng đánh bắt trái phép đã giảm. Tính đến tháng 9-2020, qua 334 đợt tuần tra trên các vùng biển, lực lượng chức năng đã kiểm tra 430 tàu cá, qua đó xử phạt 32 tàu cá vi phạm với tổng số tiền gần 155 triệu đồng, thu giữ 22 tang vật...
Theo ông Võ Khắc Én, ngoài khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (Hòn Mun) là vùng lõi bảo tồn thì ngành thủy sản đang xây dựng khu bảo tồn thứ 2 ở đảo Nam Yết (huyện Trường Sa). Ngoài ra, tỉnh này đang triển khai các chương trình xây dựng khu bảo vệ hệ sinh thái ở đảo Bình Ba (TP Cam Ranh), khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, Nha Phu (thị xã Ninh Hòa), đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm) nhằm khôi phục và bảo vệ môi trường sống các loài thủy sản tại vùng nước nội địa trên địa bàn tỉnh; chuyển giao, nhân rộng các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ dựa vào cộng đồng.
Giảm 2.000 tàu đánh bắt ven bờ
Trong quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, Khánh Hòa sẽ giảm dần đội tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ. Cụ thể, năm 2020, đội tàu toàn tỉnh giảm còn 7.650 chiếc (tăng tàu xa bờ lên 1.480 chiếc); đến năm 2025, đội tàu còn 7.050 chiếc (tàu xa bờ tăng lên 1.787 chiếc); đến năm 2035, đội tàu khai thác tiếp tục giảm còn 6.250 chiếc (tàu xa bờ tăng lên 2.120 chiếc) như vậy sẽ giảm hơn 2.000 tàu đánh bắt gần bờ. Đối với đội tàu cá xa bờ, sẽ chú trọng hiện đại hóa, gắn với khai thác có trách nhiệm, bền vững.
16 khu bảo tồn biển
Theo Tổng cục Thủy sản, hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 gồm 16 khu. Đến nay, các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), vịnh Nha Trang (Hòn Mun) - Khánh Hòa, Hòn Cau (Bình Thuận); Phú Quốc (Kiên Giang - khu bảo tồn Phú Quốc hiện nay đã sáp nhập vào Vườn Quốc gia Phú Quốc), Cô Tô - Đảo Trần (Quảng Ninh, gộp 2 khu bảo tồn Cô Tô và Đảo Trần thành một khu bảo tồn Cô Tô - Đảo Trần); Vườn Quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục yêu cầu các địa phương thành lập 4 khu bảo tồn còn lại gồm: Hòn Mê (Thanh Hóa), Nam Yết (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Hải Vân - Sơn Trà (Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế).
Bình luận (0)