Đến bãi biển TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) những ngày gần đây, du khách sẽ thấy một điều khác lạ. Thay vì rác được chất thành đống chờ xe đến chở đi như trước đây thì đã có những cụm thùng rác, phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Bãi biển đã sạch hơn rất nhiều.
Thay đổi từ việc làm cụ thể
Những sáng sớm cuối tuần, mọi người lại thấy rất đông bạn trẻ với màu áo xanh chia nhau thành những nhóm nhỏ để nhặt rác trên bãi biển. "Có những điều lâu nay mình không chú ý. Ví như cả nhà kéo nhau xuống biển ăn xong thì cứ vậy bỏ về mà quên dọn rác. Giờ các cháu phải nhặt từng bao ni-lông bị gió cuốn bay, thấy ngại thiệt" - bà Nguyễn Thị Huệ nói với bạn tắm biển trong một buổi sáng tình cờ thấy các bạn trẻ nhặt rác.
Đây là cách mà tỉnh Phú Yên đang hướng đến để làm thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân. Trên trang cá nhân của mình, ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên, nhìn nhận: "Theo thói quen, cứ chiều mùng 5-5 âm lịch là người dân Phú Yên kéo xuống biển ngồi ăn uống, hóng mát (đông hơn ngày thường). Tàn cuộc vui là rác tràn bãi biển. Giờ thì nhiều người ý thức hơn rồi".
Một sự thay đổi cả đối với lãnh đạo tỉnh. Đầu tháng 6 vừa qua, trên các trang cá nhân của người dân Phú Yên đã chuyền nhau một bức thông điệp của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường. Trong thông điệp gửi đến người dân, ông Dương kêu gọi "Hãy nhặt từng cọng rác, trồng từng cây xanh, nâng niu từng cụm hoa, ngọn cỏ. Hãy giữ gìn quê hương Phú Yên không ô nhiễm bằng cách đừng bao giờ xả rác ra môi trường các bạn nhé". Đấy không phải là lần đầu tiên lãnh đạo tỉnh Phú Yên kêu gọi. Có điều, lời kêu gọi ấy qua mạng xã hội được lan tỏa rộng hơn. Và người dân nhận ra đấy không phải là một lời kêu gọi suông khi ông khẳng định "Chúng ta không làm theo phong trào mà liên tục, thường xuyên và bền bỉ. Chúng ta tiếp tục tiến tới 1 bước, từ nhặt rác đến vận động người dân không xả rác bừa bãi, phải bỏ rác đúng nơi quy định và phân loại rác từ đầu nguồn".
Ngay sau lời kêu gọi này, ngày hôm sau, người ta thấy ông Dương cùng lãnh đạo tỉnh thả tôm giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản ở đầm Ô Loan. Ngày sau nữa, người ta lại thấy ông cùng các bạn trẻ nhặt rác ở bãi biển Tuy Hòa. "Bất kỳ một động thái nào của quan chức gắn với dân, trách nhiệm với quốc gia một cách thật sự đều làm mình cảm động" - ông Trần Chí Kông viết bình luận trên trang cá nhân khi biết những thông tin này.
Phát động phong trào trồng cây xanh ở TP Đà Lạt. Ảnh: ĐÌNH THI
"Thêm 1 cây xanh, thêm 1 hành động vì môi trường"
Bà Lương Thị Tuyết Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Gia Lai, cho biết tỉnh đang đẩy mạnh việc hạn chế chất thải nhựa ra môi trường. Cơ quan này đang kêu gọi người dân sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa.
"Ngay tại Sở Tài nguyên và Môi trường đã nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần bằng cách không sử dụng các sản phẩm nhựa như ống hút, chai nước, bao bì ni-lông... trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị cũng như tại gia đình mà sử dụng cốc thủy tinh, cốc sứ hoặc phích, bình đựng nước dùng nhiều lần khi hội họp, tiếp khách" - bà Vinh nói.
Trong khi đó, tỉnh Lâm Đồng đang đưa ra một thông điệp "Thêm 1 cây xanh, thêm 1 hành động vì môi trường". Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết thời gian qua, công tác bảo vệ rừng, cây xanh còn bất cập, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường trên địa bàn. "Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi người dân, cơ quan, đơn vị trồng cây nhằm nâng cao tỉ lệ che phủ ở nội ô Đà Lạt và các huyện, góp phần cải thiện cảnh quan, kiến trúc, giữ gìn hình ảnh "thành phố trong rừng - rừng trong thành phố" trước thực trạng đô thị hóa nhanh như hiện nay" - ông Phạm S nói.
Ngay trong tháng 6 này, đã có hàng ngàn cây bằng lăng, giáng hương, sao được học sinh và công chức trồng ở các trường học và công sở. Trên 6.000 cây mai anh đào, thông 3 lá được trồng trong khuôn viên Trường CĐ Du lịch Đà Lạt (phường 7, TP Đà Lạt), Trường ĐH Kiến trúc TP HCM (cơ sở tại phường 10, TP Đà Lạt) và trên địa bàn các xã, phường của TP Đà Lạt.
Từ nay đến cuối năm, chỉ tính riêng TP Đà Lạt dự kiến sẽ trồng khoảng 30.000 cây phân tán và gần 32 ha rừng tập trung.
Phạt nặng hành vi xả rác
Sau những dịp lễ Tết, TP Đà Lạt phải hứng chịu một lượng rác thải rất lớn do du khách vô ý thức xả bừa bãi. Để giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp và hạn chế người kém ý thức vứt rác tùy tiện nơi công cộng, TP Đà Lạt đã lắp đặt nhiều bảng cảnh báo. Cùng với đó sẽ ghi hình, xử phạt các hành vi xả rác bừa bãi với mức có thể lên đến 7 triệu đồng/trường hợp. Hiện tại, nhiều biển báo đã được đặt dọc khu vực hồ Xuân Hương và khu vực Quảng trường Lâm Viên.
Bình luận (0)