Cá ong còn được gọi với tên khác như cá căng, cá căn; thuộc họ terapontidae, bộ cá vược; được tìm thấy ở vùng biển khu vực Ấn Độ Dương. Ở Việt Nam, loài đặc sản có giá trị kinh tế cao này sống khá nhiều ở phá Tam Giang. Loài cá này sống trong môi trường nước ngọt và nước lợ, tập trung ở cửa sông - nơi nguồn nước sông giao hòa với biển và có môi trường sạch sẽ, trong lành.
Ông Trần Cược - hơn 90 tuổi, ở phường Thuận An, TP Huế; nhiều năm sống bằng nghề chài lưới ở phá Tam Giang - xác nhận cá ong (gồm nhiều loại: ong bầu, ong hương, ong thẳn, cá căn) thường xuất hiện nhiều ở vùng nước này.
Cá ong hương đánh bắt được từ phá Tam Giang trước đây Ảnh: TƯ LIỆU
Kích thước của cá ong chỉ bằng vài ngón tay, dài khoảng 20 cm, con to nhất chừng gần nửa cân. Điểm đặc biệt để nhận dạng cá ong là phần thân phủ màu trắng bạc, xen kẽ một vài đốm nâu nhạt; ở thân còn có hai dải sọc đen hoặc nâu đậm chạy dọc từ đầu tới đuôi.
Tuy nhiên, theo các lão ngư phủ ở vùng đầm phá Tam Giang, cá ong hương có giá trị cao hơn. Loài cá này chỉ to hơn 2 ngón tay, thân dài và thon, có sọc dài màu vàng, xương mềm.
Cá ong là loài ăn tạp bao gồm các thực vật thủy sinh hay giáp xác, cá nhỏ… Phần thịt của cá màu trắng sữa và mềm, chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người.
Ông Cược cho biết hơn 10 năm về trước, khi ông còn hành nghề chài lưới trên phá Tam Giang, cá ong hương không thiếu, chỉ cần cất một trộ rớ là ăn không hết. Nhưng nhiều năm trở lại đây, loài cá này đã biến mất, thỉnh thoảng chỉ xuất hiện vài ba con.
Theo ngư dân địa phương, do việc đánh bắt thủy hải sản theo phương pháp tận diệt đã khiến loài cá này mất dần. Đây là loài cá chỉ sống trong môi trường tự nhiên, chưa thể nuôi trong ao hồ, nên cần chính sách bảo tồn.
Bình luận (0)