Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại nguy cơ môi trường khu vực vùng biển Cù lao Chàm - nơi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến lưu thông của tàu thuyền ngư dân cũng như sự an toàn của tuyến hàng hải nơi đây.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam, ngày 5-12-2020, tàu Hải Hà 28 (Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà) đang neo đậu tại khu vực Hòn Tai (cụm đảo Cù lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Hội An) thì bị bục khoang máy, nước tràn vào tàu và chìm dần. Nhận tin báo, Đồn Biên phòng Cù lao Chàm điều canô và huy động thuyền của ngư dân tiếp cận tàu gặp nạn, cứu được toàn bộ 10 người trên tàu đưa đến nơi an toàn. Theo khai báo của chủ tàu, khi bị chìm, tàu Hải Hà 28 đang vận chuyển 2.250 tấn xi-măng từ TP Hải Phòng đến cảng Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Ngoài ra, theo chủ tàu, trên tàu này còn có 5.000 lít dầu diesel chứa trong các thùng két đã được khóa van.
Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm, cho biết trước lo ngại chiếc tàu cùng với 2.250 tấn xi-măng bị chìm trong khu vực vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm - Hội An ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, đơn vị đã 3 lần gửi văn bản kiến nghị các ngành chức năng sớm yêu cầu các đơn vị liên quan trục vớt, làm sạch môi trường tại khu vực chiếc tàu gặp nạn. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các ngành chức năng sớm xử lý sự cố này, không để ảnh hưởng đến môi trường biển Cù lao Chàm.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết việc trục vớt tàu và 2.250 tấn xi-măng này do Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam) chủ trì. Cách đây khoảng một tháng, Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam có mời địa phương góp ý phương án trục vớt. Tuy vậy, đến nay việc này vẫn chưa được triển khai.
Tàu Hải Hà 28 thời điểm bị chìm vào tháng 12-2020 Ảnh: HƯỜNG ANH
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 14-3, ông Trương Hoàn Lạc, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam, cho biết đến thời điểm này, đơn vị đã phê duyệt phương án trục vớt. Tuy nhiên, Công ty TNHH TM Đình Danh (doanh nghiệp ký hợp đồng trục vớt) chưa hoàn thiện đầy đủ các thông tin nên chưa được cảng vụ cấp phép thi công. "Đối với việc thanh thải 2.250 tấn xi-măng, hiện nay họ (Công ty Đình Danh - PV) chưa trình phương án cho cảng vụ. Họ chỉ nói về mặt lý thuyết, phương án trục vớt chung tổng thể là đưa lên bờ để thanh thải theo đúng quy định nhưng phương án cụ thể riêng về thanh thải 2.250 tấn xi-măng này thì chưa trình, chưa ký hợp đồng với đơn vị nào chịu trách nhiệm thanh thải cả" - ông Lạc thông tin thêm.
Theo ông Lạc, nguyên nhân chậm trục vớt tàu và 2.250 tấn xi-măng là do việc thương lượng giữa phía chủ tàu và đơn vị bảo hiểm kéo dài. Chủ tàu vừa mua bảo hiểm thân tàu vừa mua bảo hiểm hàng hóa nên đôi khi phía bảo hiểm thống nhất kinh phí bồi thường cho chủ tàu thì chủ tàu mới có thể thuê đơn vị triển khai trục vớt. "Việc này hết sức nhiêu khê và tốn kinh phí, chúng tôi cũng rất đau đầu vì người dân phản ánh rất nhiều. Hiện tại, việc trục vớt gần ổn, nếu bên đơn vị thi công trình đầy đủ hồ sơ thi công thì cảng vụ cấp phép thi công; họ làm được 2/3 công việc rồi" - ông Lạc nhìn nhận.
Ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng Cù lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới nên các vấn đề liên quan đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng. "Quan điểm của chính quyền TP Hội An là phải bảo đảm an toàn, mọi vấn đề không được ảnh hưởng đến hệ sinh thái của khu vực đó" - ông Hùng khẳng định.
Bình luận (0)