Câu chuyện ấn tượng của họ bắt đầu được biết đến vào năm 2020, khi họ công bố loại sơn trắng có thể phản xạ tới 95% các tia mặt trời, đẩy chúng ngược trở lại khí quyển và ra tận không gian. Vài tháng sau, tỉ lệ 95% này được tăng lên thành 98%.
Theo báo The New York Times, loại sơn này giúp các bề mặt mát hơn khoảng 4,5 độ C so với không khí xung quanh vào giữa trưa và vào ban đêm mát hơn tới 10,5 độ C. Nhờ đó, nhiệt độ bên trong tòa nhà cũng đi xuống và nhu cầu sử dụng máy điều hòa cũng giảm khoảng 40%. Tiến sĩ Ruan nói thêm loại sơn này không tốn năng lượng để vận hành như máy điều hòa, đồng thời không làm nóng không khí bên ngoài.
Năm 2021, Tổ chức Guinness công nhận đây là loại sơn trắng nhất từ trước tới nay. Không dừng lại ở sơn phủ mái nhà như mục đích ban đầu, loại sơn này ngày càng được các nhà sản xuất quần áo, giày, xe hơi, xe tải, thậm chí là tàu vũ trụ để mắt đến. Năm ngoái, ê-kíp của tiến sĩ Ruan thông báo ý tưởng về một phiên bản nhẹ hơn có khả năng phản xạ nhiệt từ xe cộ. "Chúng tôi muốn tham gia chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi muốn tìm hiểu cách nào đó vừa giúp tiết kiệm năng lượng vừa hạ nhiệt trái đất" - tiến sĩ Ruan bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn.
Tiến sĩ Xiulin Ruan và loại sơn cực trắng do ông và các cộng sự tạo ra. Ảnh: TRƯỜNG ĐH PURDUE
The New York Times cho biết loại sơn này còn cần ít nhất một năm nữa mới được bán ra thị trường. Lúc này, nó đang được tăng cường độ bền và chống bám bụi. Nhóm của tiến sĩ Ruan cũng đang phát triển các loại sơn màu dùng sơn cực trắng làm lớp nền. "Hiệu quả kém hơn sơn trắng nhưng vẫn tốt hơn một số sơn màu đang bán trên thị trường" - ông Ruan nói.
Cuộc khủng hoảng khí hậu càng tồi tệ, các nhà khoa học càng gấp rút nghiên cứu các loại vật liệu phản xạ có thể giúp làm mát trái đất. Tất cả đều dựa vào các nguyên tắc vật lý là đưa nhiệt năng từ trái đất ra ngoài không gian theo những bước sóng đặc biệt. Ông Jeremy Munday, chuyên gia nghiên cứu về công nghệ sạch của Trường ĐH California (Mỹ), nhấn mạnh hoạt động chuyển hướng này hầu như không gây ảnh hưởng đến không gian, bởi mặt trời vốn đã phát ra lượng nhiệt gấp trái đất hơn 1 tỉ lần. Theo tính toán của ông, nếu bao phủ từ 1%-2% bề mặt trái đất - tức nhỉnh hơn phân nửa diện tích sa mạc Sahara - bằng những vật liệu tương tự loại sơn cực trắng của Trường ĐH Purdue thì lượng nhiệt mà hành tinh của chúng ta hấp thụ sẽ không lớn hơn lượng nhiệt nó thải ra nữa, đồng nghĩa nhiệt độ toàn cầu không tiếp tục tăng lên. Tiến sĩ Munday lưu ý thêm việc "trải" các điểm làm mát phát xạ như vậy khắp thế giới còn giúp xoa dịu hiện tượng đảo nhiệt đô thị - hiện tượng các tòa nhà hấp thu và giữ nhiệt nhiều hơn các bề mặt tự nhiên làm cho môi trường đô thị nóng bức hơn.
Những giải pháp làm mát bức xạ quy mô lớn, theo ông Munday, đóng vai trò như thuyền cứu sinh. "Đây chắc chắn không phải là câu trả lời dài hạn nhưng bạn cần những giải pháp ngắn hạn để mọi việc không tồi tệ hơn trong lúc chờ kiểm soát được tình hình" - ông giải thích.
Bình luận (0)