Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), UBND TP Nha Trang trao đổi thông tin, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xử lý nghiêm các vi phạm về xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, môi trường đối với Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang - chủ đầu tư dự án khu du lịch đảo Hòn Tằm.
Tự ý lấn vịnh
Dự án khu du lịch đảo Hòn Tằm được Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang triển khai tại vùng mặt nước phía Tây Nam đảo Hòn Tằm, thuộc phân khu phục hồi sinh thái Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Thời gian qua, công ty này ồ ạt thi công san lấp, cải tạo mặt bằng để xây dựng.
Kết quả kiểm tra của Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa xác định chủ đầu tư xây dựng dự án khi chưa có giấy phép, đồng thời tự ý cho san ủi mặt bằng ở phần đất liền và mặt nước, xâm lấn phạm vi khu vực bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Cụ thể, chủ đầu tư cho san ủi mặt bằng hơn 2.700 m2, trong đó có hơn 2.300 m2 nằm trong phần diện tích đất liền; 400 m2 đất có mặt nước, trong đó có 170 m2 nằm ngoài ranh giới dự án.
Theo giải thích của Sở TN-MT, đây là phần diện tích xin mở rộng, điều chỉnh theo bản quy hoạch sửa đổi 1/500 của khu du lịch đảo Hòn Tằm được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, vì vậy, việc chủ đầu tư tự ý cho san gạt đất đá để xây dựng là vi phạm Luật Đất đai.
Trên cơ sở đó, Sở TN-MT Khánh Hòa đề xuất xử phạt vi phạm hành chính với mức tăng nặng gấp 2 lần so với quy định. Riêng phần diện tích lấn vịnh trái quy định, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu.
Trước khi phát hiện vi phạm này, UBND TP Nha Trang cũng từng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang về hành vi tổ chức thi công công trình khi không có giấy phép xây dựng tại dự án khu du lịch đảo Hòn Tằm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Minh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang, cho biết công ty chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc xử lý các sai phạm. Công ty sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, không để xảy ra những sai phạm như vừa qua. "Hiện nay, diện tích 172 m2 vi phạm chúng tôi đã múc lên hết. Phần xây dựng hiện tại cũng đã dừng lại toàn bộ thi công, cho đến khi chúng tôi điều chỉnh được giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng" - ông Nhựt nói.
Dự án khu du lịch Hòn Tằm mắc nhiều vi phạm
Nguy cơ ô nhiễm
Cho dù Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang có khôi phục hiện trạng cũng không thể nào khắc phục được hậu quả đã gây ra do hành vi lấn biển trái quy định.
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết trong quá trình thi công tại dự án khu du lịch đảo Hòn Tằm, đất đá bị tràn xuống biển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường khu vực này. "Qua lặn kiểm tra dưới đáy biển, chúng tôi phát hiện hệ sinh thái rạn san hô bị hủy hoại, khó có khả năng phục hồi nguyên trạng ban đầu. Một lượng bùn đất không nhỏ theo dòng chảy tràn ra các khu vực xung quanh có nguy cơ ô nhiễm cục bộ tại khu vực vùng nước sát bờ phía Tây Nam đảo Hòn Tằm" - ông Thái khẳng định.
Ngoài Hòn Tằm, hiện nay, ở các đảo thuộc vịnh Nha Trang, có khá nhiều dự án được quy hoạch xây dựng, phát triển du lịch, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, hệ sinh thái vịnh biển nơi đây. Điển hình như dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa. Dự án này đã bị thu hồi do không khắc phục trả nguyên trạng. Hiện tại, khu vực Hòn Rùa đất đá vẫn còn ngổn ngang, nếu móc hết lên thì chắc chắn hệ sinh thái ở đó sẽ rất khó phục hồi.
Tương tự, dự án Công viên Văn hóa giải trí Nha Trang Sao lấn vịnh Nha Trang đến nay cũng không được khắc phục, số diện tích lấn vịnh trái phép vẫn chưa được xử lý.
Trả lời câu hỏi vì sao dự án lấn vịnh Nha Trang vẫn tiếp diễn, trong khi chủ đầu tư vẫn không bị xử lý đến nơi đến chốn, ông Huỳnh Bình Thái nói rằng vịnh Nha Trang đã có quy hoạch chung và theo đó, khu vực Hòn Tre, Hòn Tằm… được phép triển khai dự án du lịch. "Các dự án này đều có đánh giá tác động môi trường nhưng không phải chủ đầu tư cũng chấp hành nghiêm túc. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng trong việc giám sát, kiểm tra, tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư. Dù doanh nghiệp đó là ai cũng phải tuân thủ đúng quy định chứ không thể muốn làm gì thì làm. Không thể vì phát triển du lịch mà làm biến dạng cảnh quan của một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới" - ông Thái nhấn mạnh.
Tiến sĩ Lê Đình Mầu (Viện Hải dương học, TP Nha Trang):
Tránh phá vỡ cảnh quan
Tình trạng xây dựng trên các đảo, sát bờ để xảy ra tình trạng vi phạm, xâm lấn mặt nước, đất đá đổ xuống bừa bãi chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái biển. Nhiều dự án trong phạm vi nhỏ như ở vịnh Nha Trang sẽ càng ảnh hưởng lớn hơn đến thảm cỏ, san hô, sinh sản của các loài thủy sản.
Trên thế giới, việc lấn biển cũng diễn ra ở một số nước thiếu đất đai nhưng họ có công nghệ xử lý môi trường cũng như được tính toán, thiết kế rất cẩn thận. Còn ở nước ta, đa số việc lấn biển đều do các doanh nghiệp, thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra. Việc đánh giá tác động môi trường cũng không được nghiên cứu bài bản hoặc thực hiện không nghiêm túc. Do đó cơ quan quản lý cần phải tính toán hài hòa, tránh phá vỡ cảnh quan, tăng cường quản lý, xử lý thật nặng các hành vi vi phạm môi sinh, môi trường.
Bình luận (0)