Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới. Tại TP.HCM, các khu vực có đặc trưng là vùng trũng thấp và sông ngòi chằng chịt như hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ đang chịu ảnh hưởng nặng do BĐKH, thêm vào đó là tình trạng nước biển dâng (NBD) gây xâm nhập mặn, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra thường xuyên.
Hiện tượng ngập lụt gây hư hỏng các công trình dân sinh, nhất là nhà ở của người dân, điển hình là tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), có chiều rộng khá hẹp và vỉa hè ngắn, dù đã được nâng cấp hệ thống cống rãnh thoát nước nhưng tốc độ nước dâng rất nhanh, gây ngập úng khi triều cường xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.
Từ những lý do này kiến trúc sư Ngô Lê Minh và nhóm cộng sự ở Trường đại học Tôn Đức Thắng TP HCM đã đề xuất 2 giải pháp chống ngập là sử dụng "vỉa hè thẩm thấu nước kết hợp mảng xanh, hồ điều hòa" và "mương sinh học và tuyến thẩm thấu" để tăng khả năng thoát nước cho khu dân cư.
Mô hình thiết kế giải pháp “vỉa hè thẩm thấu nước kết hợp mảng xanh, hồ điều hòa” để tăng khả năng thoát nước cho khu dân cư. (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Giải pháp "mương sinh học và tuyến thẩm thấu" là xây dựng hệ thống thu nước ngầm trong lòng đất, bên dưới những tuyến đường giao thông và không gian xanh tự nhiên. Khi bị ngập, nước tràn trên mặt đường và sẽ được dẫn hướng chảy qua vỉa hè, đến một hệ thống lọc tự nhiên (mương sinh học). Mương sinh học có độ dốc nhỏ từ 1-5%, và được bao phủ bởi các lớp cỏ cây, thảm thực vật hoặc phân hữu cơ.
Dòng chảy của mương sinh học được thiết kế nông và rộng, nhằm tối ưu hóa việc thẩm thấu nguồn nước bề mặt. Đáy của mỗi mương sinh học được thiết kế chứa nhiều đá và cát để tăng cường khả năng thấm hút. Khi có mưa, phần lớn nước thấm qua các kẽ gạch xuống lớp cát đá bên dưới, rồi chảy xuống cống để thoát ra kênh rạch, nước tiêu thoát nhanh, giúp giảm thiểu tối đa tình trạng ngập do triều cường.
Các giải pháp kiến trúc kể trên đều nhằm mục đích tạo ra những không gian trống có khả năng tạm thời trữ nước khi có hiện tượng ngập do triều cường, hướng đến việc tìm đường cho nước thoát, để nước xâm nhập vào khu vực có dân cư theo cách có thể kiểm soát được, từ đó chủ động chống ngập.
Mô hình thiết kế giải pháp “mương sinh học và tuyến thẩm thấu” để tăng khả năng thoát nước cho khu dân cư. (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Theo tính toán, mỗi một ngôi nhà có diện tích 50 m2, nếu đào sâu bên dưới sàn nhà khoảng 1 m để thi công bể chứa tạm thời khi nước dâng lên thì lượng nước thu được sẽ vào khoảng 50 m3 nước/mỗi nhà. Nhân rộng ra cho những ngôi nhà khác, sẽ lưu trữ được hàng ngàn mét khối nước. Bên cạnh đó, kết hợp với việc đào các mương thoát nước nhân tạo trong các sân vườn, men theo vỉa hè, các trục đường giao thông, thì khi có triều cường thì hệ thống "tạo chỗ cho nước" này sẽ thu được một lượng nước đáng kể góp phần làm giảm ngập.
Phần nước thu được sẽ được xử lý bởi hệ thống ống ngầm để thoát trở lại các kênh rạch, hoặc theo sông lớn ra biển khi hiện tượng ngập cực đoan trôi qua.
Kiến trúc sư Ngô Lê Minh cho biết các giải pháp này cũng có thể ứng dụng và triển khai để thích ứng với tình trạng BĐKH, chống ngập lụt cho các tỉnh thành lân cận như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Bình luận (0)