Theo phê duyệt của UBND tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 1616/QĐ-UBND ngày 13-7-2020, toàn bộ khu đất rừng ngập mặn rộng hơn 32,3 ha nằm trên địa bàn phường Phú Thủy này sẽ được chia làm 2 khu vực: xây dựng khu dân cư (gần 10 ha) và khu công viên (hơn 22 ha). Trong đó, nhà nước sẽ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với gần 10 ha khu vực xây dựng khu dân cư để tái đầu tư thực hiện khu vực công viên.
Nhiều người lo ngại khu rừng ngập mặn giữa lòng TP Phan Thiết sẽ mất nếu quy hoạch nơi đây thành khu dân cư
Anh Phạm Văn Tý (phường Thanh Hải, TP Phan Thiết), chuyên hành nghề bắt ốc đinh bên trong khu rừng ngập mặn Phan Thiết, cho biết cảm thấy khá buồn khi nghe thông tin khu vực này có thể phải xóa sổ để xây dựng khu dân cư mới. Trước đây, anh Tý cùng gia đình làm nghề nuôi tôm bên trong cánh rừng ngập mặn. Do thực hiện quy hoạch khu dân cư Hùng Vương nên gia đình anh không còn đủ diện tích đất để làm. Mấy năm qua, anh chuyển sang nghề cào ốc đinh để bán cho các thương lái dùng làm thức ăn nuôi tôm hùm. "Nếu khu rừng này mà họ làm khu dân cư thì mình thấy rất tiếc. Không chỉ vì mình mất đi công việc, mà quan trọng là thành phố sẽ mất đi khu rừng ngập mặn độc đáo, có nhiều sinh vật trú ngụ" - anh Tý chia sẻ.
Còn theo ông Vương Hồng, một nhiếp ảnh ở TP Phan Thiết, khu rừng ngập mặn nằm giáp với mặt phía Đông khu dân cư Hùng Vương II (TP Phan Thiết) có hệ sinh thái khá đa dạng. Ngoài nhiều loại chim, cò về trú ngụ, quần thể rừng ngập mặn này còn có hệ động vật gồm các loài thủy sản nước mặn, nước lợ (cá, tôm, cua, rùa, sò ốc, các loại động vật đáy), giáp sát, bò sát cũng như các loài sú, vẹt, đước, tràm, mắm… của hệ thực vật.
Tuy nhiên, trong chuyến khảo sát mới đây, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho rằng cần nghiên cứu lại phương án xây dựng khu đô thị mới kết hợp công viên tại khu rừng ngập mặn rộng hơn 32,2 ha này. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận nhận định việc thực hiện quy hoạch khu dân cư tại đây sẽ khiến TP Phan Thiết mất đi một khu rừng ngập mặn tái sinh hiếm hoi, lớn nhất còn sót lại ở địa phương này. Trong khi đó, phương án giữ lại khu rừng theo hướng tái tạo, chỉnh trang hai bên bờ sông sẽ tạo ra một khu sinh thái đẹp giữa lòng TP Phan Thiết, ngay bên tuyến đường chính đi ra Khu Du lịch quốc gia Mũi Né. Phương án này cũng sẽ giúp TP Phan Thiết có thêm một khu công viên tự nhiên - du lịch sinh thái cộng đồng làm nơi giáo dục cho học sinh, sinh viên, người dân về ý thức bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên…
Theo ông Dương Văn An, trong bối cảnh nguồn lực của Bình Thuận còn hạn chế nên cần phải có kế hoạch đấu giá quỹ đất để đầu tư hạ tầng. Riêng trường hợp khu rừng ngập mặn quý giá tại TP Phan Thiết cần được giữ lại, chọn phương án đấu giá đất ở những khu vực khác.
"Việc có khu rừng ngập mặn giữa thành phố là hiếm hoi, cần thiết nên cần giữ lại để tạo không gian xanh cho TP. Đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Còn việc nếu không đấu giá một phần khu đất sẽ khó khăn về ngân sách tỉnh thì có thể lựa chọn những khu vực đất khác để đấu giá, dùng kinh phí tái đầu tư lại khu vực này" - ông An nói.
Bình luận (0)