xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh

TRẦN THƯỜNG - PHÚ THIỆN

Đặc điểm cây sâm này là sống dưới những tán rừng cổ thụ. Khi rừng là nguồn sống, giúp người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu, rừng được người dân bảo vệ

Người Xê Đăng trên dãy núi Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) sống nương tựa vào núi rừng bao đời nay nên trong tâm thức của họ, rừng là báu vật, là khởi nguồn của sự sống. Đặc biệt, kể từ khi cây sâm Ngọc Linh được biết đến là một trong những loài sâm quý nhất thế giới, có giá trị kinh tế cao, người dân càng ra sức bảo vệ, trồng thêm rừng.

Giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh - Ảnh 1.

Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Mất rừng là mất cây sâm quý

Vài năm trước, huyện Nam Trà My là một trong những huyện nghèo nhất cả nước nhưng giờ đây, nhờ cây sâm Ngọc Linh, nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu, nhiều hộ dân trở thành tỉ phú. Nóc Tắk Lang ở thôn 3, xã Trà Linh là một ví dụ, nơi đây được ví là "làng tỉ phú" với hàng chục "đại gia" sở hữu những vườn sâm vô cùng giá trị. Đường ôtô dẫn vào đến tận ngõ, người dân xây nhà to, sắm ôtô tiền tỉ. Nhiều người gửi hàng chục tỉ đồng trong ngân hàng.

Giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh - Ảnh 2.

Người dân địa phương chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Giàu có nhờ cây sâm, người dân Xê Đăng càng ý thức hơn trong việc giữ rừng. Vì còn rừng mới có sâm Ngọc Linh, bởi đặc điểm cây sâm này là sống dưới những tán rừng cổ thụ, nơi có độ che phủ trên 80% và nhiệt độ ở mức dưới 20 độ C. Muốn có đất rừng trồng sâm thì phải giữ rừng, phục hồi rừng. "Bao đời nay người dân chúng tôi đều nhờ vào rừng. Cây sâm Ngọc Linh có được cũng nhờ mẹ rừng ban tặng. Cây sâm Ngọc Linh đã làm thay đổi cuộc sống của bà con nơi đây, từ nghèo đói lên mức khấm khá, sung túc hơn, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Bảo vệ rừng cũng là bảo vệ chính cuộc sống của mình" - già làng Hồ Văn Du, một "đại gia" sâm Ngọc Linh bày tỏ.

Hiện nay, giá bán sâm Ngọc Linh ít nhất 70 triệu đồng/kg (đối với sâm 4 năm tuổi), sâm càng lớn tuổi giá trị càng lớn. Những vườn sâm rộng lớn trên đỉnh Ngọc Linh này đều có giá trị hàng tỉ đồng.

Trồng rừng cho mai sau

Không chỉ bảo vệ những khu rừng tự nhiên, người dân Xê Đăng ở Nam Trà My còn ra sức trồng rừng để giữ núi, giữ sâm. Theo chân "đại gia" sâm Nguyễn Văn Lượng (thôn 2, xã Trà Linh) từ lúc tờ mờ sáng, giữa hoang sơ kỳ vĩ của núi rừng Ngọc Linh, đồi thông hơn 5 năm tuổi của người đàn ông Xê Đăng này dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Với hơn 70.000 gốc thông xanh mướt, chiều cao trung bình khoảng 4 - 5 m, cây lớn nhất có đường kính lên tới 15 cm, đây là một trong rất nhiều khu rừng được gia đình ông Lượng dày công chăm sóc.

Ông Lượng bày tỏ bản thân ông luôn đau đáu chuyện giữ rừng. Đối với ông, rừng thực sự rất cần và rất quý, vì đời sống của ông và đồng bào mình là phải gắn bó với rừng. Suốt mấy chục năm bám núi trồng sâm, ông luôn dành thời gian để trồng lại diện tích rừng đã mất, để vừa bảo vệ rừng vừa giữ môi trường cho cây sâm phát triển. "Mỗi năm, tôi trồng từ 1.000 đến 2.000 cây là ít nhất, chỗ nào còn trống thì mình trồng hết. Mình chọn cây nào hợp với sâm, có lá nhiều, có thể giữ độ ẩm để trồng. Mình trồng rừng không chỉ để cho mình hôm nay mà con cháu sau này còn được hưởng" - ông Lượng trải lòng.

Giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh - Ảnh 3.

Du khách tham quan vườn sâm trồng ở huyện Nam Trà Mi Ảnh: TRẦN THƯỜNG

"Đại gia" Hồ Văn Bông giàu lên nhờ sâm Ngọc Linh từ nhiều năm nay quyết định dọn nhà từ xã Trà Linh xuống Trà Mai, trung tâm của huyện Nam Trà My, sinh sống. Với tâm niệm người Xê Đăng đi đâu cũng phải có rừng, vợ chồng ông Bông bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua đất, thuê người trồng cây gây rừng. Từ những ngọn đồi trơ trọi sỏi đá, gia đình ông Bông đã cải tạo thành những cánh rừng sao đen xanh ngắt bạt ngàn. Gia đình ông còn trồng xen canh các loại cây ăn trái như mít, xoài, cam, bưởi…

Ông Bông nói rằng trồng rừng mới là nơi đầu tư hiệu quả nhất cho tương lai con cháu, nhất là sau khi tận mắt chứng kiến cảnh thiên tai chồng chất trên quê hương, ông lại càng tự tin hơn với quyết định của mình. 

Nơi tuyệt nhiên không phá rừng

Đến nay, trên địa bàn 7 xã vùng cao huyện Nam Trà My đã có hơn 2.000 hộ dân trồng sâm Ngọc Linh, tổng diện tích trên 2.200 ha. Cùng với hàng ngàn hộ dân, hiện đã có hơn 30 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê môi trường rừng và tiếp tục liên kết với người dân địa phương để trồng sâm Ngọc Linh.

Để bảo vệ khối tài sản của mình, người trồng sâm chăm sóc hết sức tỉ mẩn, bảo vệ nghiêm ngặt theo phương châm "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Tại các vườn sâm, chủ nhân thường dùng lưới B40 và dây thép gai rào xung quanh. Họ dựng lán trại, thuê nhân công ăn ngủ giữa rừng để chăm sóc, bảo vệ quanh năm, bất kể mưa hay nắng. Nhiều chủ vườn còn đào hàng trăm bẫy chông cắm dày đặc và lắp đặt camera xung quanh đề phòng kẻ xấu đột nhập trộm sâm. Với cách thức bảo vệ hết sức nghiêm ngặt như vậy, nhiều năm nay, tại những địa phương trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My tuyệt nhiên không xảy ra phá rừng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo