Cà Mau, tỉnh cực Nam Tổ quốc, được xem là vùng "thủ phủ" tôm của cả nước cùng với vô số sản vật có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, địa phương còn được thiên nhiên ưu đãi khu rừng ngập mặn lớn thứ 2 thế giới chỉ sau rừng Amazon Nam Mỹ.
Ngoài tạo sinh kế cho người dân, những tán rừng ngập mặn bạt ngàn này còn góp phần làm nên sự đa dạng sinh học, đóng vai trò trung tâm trong ổn định điều kiện khí hậu, bảo vệ cộng đồng ven biển... Nơi đây được nhiều chuyên gia "ví von" là lá chắn xanh bảo vệ con người trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Các loài thủy sản như: cua, tôm... được nuôi dưỡng dưới những tán rừng ngập mặn đã khẳng định được vị thế, niềm tin cho người tiêu dùng do chất lượng thơm ngon khó nơi nào có thể sánh bằng. Bên cạnh đó, đây còn được xem là một trong những phương thức sản xuất bền vững do vừa tạo năng suất cao nhưng cũng góp phần bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển kinh tế.
Theo nhiều người dân có thâm niên trong nghề nuôi trồng thủy sản tại đây, việc nuôi tôm dưới tán rừng phụ thuộc nhiều vào nguồn nước. Cụ thể, khi nguồn nước bị ô nhiễm, thiếu ôxy... sẽ dẫn đến tôm, cua nuôi chậm lớn, dễ mắc bệnh rồi chết trên diện rộng do các hộ nuôi lấy chung nguồn nước vào vuông tôm..., từ đó đe dọa sự sống của các hệ động, thực vật dưới tán rừng.
Với tầm quan trọng đặc biệt của rừng ngập mặn, tháng 10-2021, Úc đã hỗ trợ Cà Mau thực hiện dự án hệ thống giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản rừng ngập mặn (AQUAM).
AQUAM là dự án do Đại học Queensland (Úc) và Công ty Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh thiết kế và triển khai, phối hợp Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu và Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau.
Dự án hệ thống giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản rừng ngập mặn sẽ giúp nông dân chủ động trong tái vụ nuôi
Đến nay, dự án đã lắp đặt hơn 20 trạm quan trắc môi trường không dây sử dụng công nghệ IoT ở các sông, kênh rạch trên địa bàn các huyện: Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển nhằm theo dõi chất lượng nước ở những khu vực rừng ngập mặn. Trạm quan trắc vận hành từ năng lượng mặt trời cung cấp các chỉ số môi trường nước, như: Nhiệt độ, pH, ôxy hòa tan (DO), độ mặn, độ đục, độ kiềm.
Những số liệu thu thập từ trạm quan trắc sẽ được truyền tải trực tiếp lên phần mềm ứng dụng Mobile AQUAM hoặc website https://aquam.com.au/public.html. Dự án sau khi kết thúc sẽ được bàn giao cho Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cùng các ban quản lý rừng ngập mặn tại cơ sở quản lý và thụ hưởng.
Thông qua dự án, với chiếc điện thoại thông minh trên tay, nông dân Cà Mau sẽ nắm được các chỉ số về môi trường nước nơi mình sinh sống để chủ động trong quá trình lấy nước ra vào vuông tôm, xử lý nước và tái vụ mới nhằm bảo đảm lịch thời vụ. Trường hợp môi trường nước có biến động tiêu cực, phần mềm ứng dụng sẽ giúp ngành chức năng địa phương kịp thời đưa ra những thông báo, cảnh báo đến người dân.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết địa phương rất hoan nghênh các giải pháp đổi mới, sáng tạo thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án đưa vào vận hành đã mang lại lợi ích kép bởi vừa giúp người dân có đời sống ổn định nhưng vẫn bảo vệ môi trường.
Bình luận (0)