Khi cuộc sống trở nên phức tạp, nhiều mối quan hệ phát sinh cả trong và ngoài ý muốn chúng ta. Xung đột từ các mối quan hệ này cũng gây nên ít nhiều bất an, tổn hại tinh thần, thậm chí thể xác nếu chúng ta không làm chủ được bản thân.
Tìm thấy sự thanh nhàn
Đa phần những người càng lớn tuổi, theo vận hành va đập của thời gian, càng có xu hướng dễ tính và dễ tha thứ cho người khác hơn. Bởi sau bao nhiêu năm trải nghiệm, người ta được chứng kiến và tôi luyện nhiều phẩm cách. Thời còn thanh xuân, trẻ khỏe, nhiều người ganh đua nhau về mọi thứ. Nhưng lúc tuổi già ập tới, người ta nhìn lại, thấy sao trước đây mình xử sự hồ đồ quá.
Vậy nên, sống tĩnh tâm là cách lựa chọn của những người đã trải nghiệm nhiều trong cuộc sống, nhận thức được ranh giới hạnh phúc và khổ đau. Tuy nhiên, khó nhất là thực hành, chứ nói suông thì dễ vô cùng. Học yoga, học thiền, theo một khóa tu nào đó hoặc tự mình tu tâm dưỡng tính... chính là cách thức nhiều người theo đuổi nhằm giúp họ tĩnh tâm, biết "cầm lên" nhưng cũng biết "đặt xuống" trong mọi quyết định.
Tĩnh tâm là cách biết mình, biết người...
Tĩnh tâm chính là buông, là cân bằng, là biết chế ngự bản thân. Tĩnh tâm cũng chính là biết mình, biết người. Người ta thường nói trong đời sống này, không có bằng cấp nào quan trọng hơn bằng lòng, không có sự biết nào qua khỏi biết điều. Ngẫm nghĩ sâu xa, điều đó quả là chí lý.
Sống tĩnh tâm hiện giờ không chỉ về tinh thần mà còn là thể chất. Nhiều người chọn ăn chay trường, thiền định, thể dục dưỡng sinh... để tìm thấy sự thanh nhàn của thể xác lẫn tâm hồn. Người ta không chỉ "detox" (thanh lọc) cơ thể mà còn nhân đó thanh lọc tinh thần.
Lắng nghe cũng là một cách tĩnh tâm. Thường trong các câu chuyện trà dư tửu hậu, người quan sát sẽ ít nói hơn.
Kiềm chế cũng là một cách tĩnh tâm. Trong các cuộc tranh luận, thường thì người hiểu chuyện sẽ biết dừng đúng lúc.
Bình tĩnh cũng là một cách tĩnh tâm. Khi đối mặt các sự cố, người chín chắn sẽ không làm ồn ào thêm lên, từ từ tìm cách giải quyết vấn đề.
Để xử lý tốt đẹp mọi việc
Chúng ta thường bắt gặp tình huống bạn bè tranh cãi và xa rời nhau từ trên mạng dẫn tới ngoài đời thực vì các câu chuyện cuộc đời trên một bài viết nào đó. Thường thì ban đầu bất đồng ý kiến, sau đó tranh luận, tăng dần khung kịch tính lên bằng các ngôn từ thóa mạ và cuối cùng thì chẳng nhìn mặt nhau nữa.
Anh em, bà con, bạn bè đã sống tình nghĩa với nhau bao nhiêu năm, chỉ vì chút bất đồng khi thể hiện quan điểm cá nhân mà "cạch mặt nhau" thì quả là đáng tiếc. Chúng ta thử nghĩ, gặp được nhau trên đời này chẳng phải là cái duyên hay sao? Vì sao chúng ta gắn bó và yêu thương người này chứ không phải người kia? Vì sao chúng ta là bạn của người này chứ không phải là người khác? Tạm gọi đó là duyên kỳ ngộ. Đời này cần nhận được lời biết ơn vì đã cho mọi người gặp và quen nhau.
Trong suy nghĩ cá nhân, tôi vẫn cho rằng những người nào có tình cảm tiêu cực ghét mình thì đáng thương cho họ. Vì người bị ghét vẫn sống "hồn nhiên", trong khi người đi ghét luôn mang nặng điều khó chịu ấy trong lòng, thậm chí mất ăn mất ngủ.
Thế nên, sống cần bỏ bớt những lời nói khiến nhau nặng lòng; không cứ phải mang nặng định kiến về nhau. Thương yêu thì khó, chứ ghét bỏ thì dễ vô cùng.
Ở đời, chúng ta thường dễ tặc lưỡi tha thứ cho bản thân nhưng khó khăn khi tha thứ cho người. Ai trong số chúng ta cũng đôi lần trễ hẹn, nói lỡ lời làm tổn thương người khác hoặc sơ suất trong công việc... Nhưng khi trách nhau, ít người sực nhớ ra rằng bản thân cũng đã từng như thế.
Và, trong mọi biến động của cuộc đời, đôi lúc chỉ cần sự quan tâm bằng lời nói, một tin nhắn động viên, một lời khuyên chừng mực dành cho nhau cũng đã mang tới cách giải quyết êm đẹp vô cùng. Điềm đạm để xử lý tốt đẹp mọi việc là điều mà con người cần suy nghĩ để học hỏi mỗi ngày.
Bình luận (0)