Góp phần giảm thiểu xâm nhập mặn
Chuyện mực nước hạ lưu Mê Kông gia tăng trong mùa kiệt do các hồ thủy điện lớn ở thượng lưu xả nước là không có gì mới, cũng đúng nguyên lý hoạt động của các thủy điện vừa và lớn (giảm dòng chảy mùa lũ và tăng dòng chảy mùa kiệt ở hạ lưu do tích và xả nước). Vừa rồi, mực nước hạ lưu tăng cao hơn bình thường, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân chính là gì? Do xả nước để tăng công suất phát điện hay có sự cố, hoặc có mưa lớn ở các vùng trên lưu vực? Và cần theo dõi giám sát kịp thời.
Bên cạnh đó, các hệ sinh thái (đặc biệt là hệ sinh thái nước và ven sông) có tính động và hồi phục rất cao, nên dù bị tác động do tự nhiên hay con người, chúng sẽ tự phục hồi nhanh dưới sự hỗ trợ của con người.
Việc thay đổi chế độ dòng chảy (thuỷ văn) của các dòng sông do hoạt động hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện là không thể tránh khỏi. Vì thế, phải có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trong đó gia tăng dòng chảy hạ lưu về mùa kiệt và giảm hẳn bùn cát, phù sa là các tác động rất đáng kể. Trong khi đó, gia tăng dòng chảy là cơ bản có lợi nhưng giảm phù sa là có hại.
Báo cáo hằng tuần lũ và hạn của Ủy hội Quốc tế sông Mê Kông (MRC) cho thấy: Tuần lễ từ ngày 8 đến 14-3, tại trạm Chiang Khan (Thái Lan) và Vientiane (Lào), mực nước lần lượt tăng đáng kể trong khoảng từ 0,7 - 1,13 m. Mực nước hiện tại ở 2 trạm này đang hơn khoảng 2,37 m so với mức trung bình nhiều năm và đây được coi là bất thường. Mực nước tại các trạm đo từ Thái Lan đến Lào và Campuchia sẽ tiếp tục tăng, tại Luang Prabang (Lào) sẽ tiếp tục cao hơn mức cao kỷ lục.
Tương tự, theo thông tin dự báo từ Mạng Giám sát đập Mê Kông (MDM), từ nay đến hết tháng 6, các con đập trên thượng nguồn sông Mê Kông sẽ xả lượng nước bằng tuần rồi, thậm chí có thể lớn hơn. Điều này sẽ làm tăng mực nước sông ở hạ lưu một cách bất thường.
ĐBSCL đang vào mùa khô và bị mặn xâm nhập. Sự gia tăng xả nước như hiện nay là tín hiệu tốt sẽ góp phần làm giảm thiểu xâm nhập mặn ở cuối tháng 3 và các tháng 4, 5.
Không đáng quan ngại
Thượng lưu sông Mê Kông có địa hình lòng sông hẹp và dốc, vì vậy dao động mực nước lớn nhất trong năm lớn hơn nhiều so với khu vực ĐBSCL. Tại trạm Luong Prabang, ở điều kiện tự nhiên (trước năm 2012 khi chưa khởi công thủy điện Xayabury), mực nước lớn nhất và nhỏ nhất trong năm chênh lệch khoảng 14m. Từ khi có thủy điện Xayabury (với đập dâng cao 32,6m) đã làm ảnh hưởng đến mực nước tại Luong Prabang. Khi mực nước tại Xayabury dâng bình thường thì mực nước tại Luong Prabang tương đối ổn định ở cao trình 276 m so với mực nước biển trung bình, về mùa lũ mực nước chỉ cao thêm 1-5 m so từ mực nước này.
Như vậy, con số mực nước ở trạm Luong Prabang có thể vượt mức nước kỷ lục cũng không có gì là đáng lo ngại, không liên quan nhiều đến vấn đề hạn hay lũ trên đồng bằng. Vấn đề đáng quan tâm hơn là lưu lượng xả của các hồ thượng lưu.
Số liệu từ MRC cho thấy từ đầu mùa khô 2022 đến nay, lượng xả phổ biến từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu chỉ trên dưới 700m3/giây, tương đương 1 tổ máy. Chỉ có 4 đợt xả cao (hình 1), mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tuần có xả 2 tổ máy với lưu lượng khoảng 1100 m3/giây. Đợt gần nhất xả 2 tổ máy từ 19 đến 26-2 và được xả gia tăng nối tiếp từ đầu tháng 3, từ ngày 1-3 lên 2 tổ máy, đến ngày 10-3 tăng lên 4 tổ máy, ngày 14-3 tăng lên 5 tổ máy.
Lưu lượng xả gia tăng từ 1100 m3/giây ngày 1-3 lên khoảng 2400 m3/giây ngày 10-3 và cao nhất ngày 15-3 với khoảng 2800 m3/giây. Từ 18-3, xả nước từ thủy điện Trung Quốc giảm xuống còn 4 tổ máy với lưu lượng vào khoảng 2400 m3/giây.
Hình 1: Diễn biến mực nước và mưa tại Cảnh Hồng mùa từ đầu mùa cạn 2022
Việc xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc vừa qua được xem là xả nước phát điện bình thường hằng năm, thậm chí xả muộn hơn so với năm 2018-2019 đến 1 tháng (hình 2) và cùng kỳ xả nước gia tăng năm 2020-2021. Việc xả nước gia tăng sẽ tác động tích cực đến đồng bằng vào khoảng ngày 25-3, mực nước tăng thêm 10-16 cm so với trước đó nếu chưa có sự gia tăng lưu lượng xả này.
Hình 2: Diễn biến mực nước tại Chiang Saen qua một số năm
Do ảnh hưởng của điều tiết thủy điện, xu thế mực nước lũ trên đồng bằng giảm, tần số trở lại các năm lũ lớn vượt báo động III ở Tân Châu trước năm 2000 là 24,2% (4 năm có 1 lần) thì ở điều kiện như hiện nay chỉ còn khoảng 7,7% (bình quân khoảng 13 năm mới có 1 lần). Mực nước mùa khô năm nay chỉ cao hơn so với bình quân hằng năm khoảng 10-20 cm chứ không phải là cao như ở tháng 9, tháng 10. Mực nước cao nhất tại Tân Châu ở tháng 3-2022 chỉ đạt 1,43 m (ngày 2-3) trong khi mực nước đỉnh lũ tháng 9 tại Tân Châu ở năm lũ lớn lên đến 5,06 m.
Giải pháp ứng phó với biến đổi dòng chảy
Có thể nói, một cơ chế ứng phó với khủng hoảng về biến đổi dòng chảy trong tương lai là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải hiểu thế nào là "khủng hoảng". Những thay đổi làm gia tăng dòng chảy như thời gian qua là tích cực đối với ĐBSCL.
Thêm vào đó, phải hiểu rằng nhu cầu nước vùng ĐBSCL hiện chỉ vào khoảng 20 tỉ m3, là rất nhỏ so với tiềm năng nguồn nước sông Mê Kông bình quân vào khoảng 475 tỉ m3, là quá sớm phải thảo luận về tài chính trong bảo đảm mức dòng chảy tối thiểu trong khi đó có nhiều giải pháp hiệu quả hơn. Trong đó, phải kể đến các giải pháp quốc gia như: Chủ động kiểm soát nguồn nước trên đồng bằng; chuyển đổi cơ cấu theo hướng thuận thiên, giảm phụ thuộc vào nước ngọt; tích trữ nước tại chỗ…; và giải pháp hợp tác quốc tế, bằng việc tăng cường hợp tác lưu vực sông Mê Kông, thực hiện thủ tục duy trì dòng chảy kiệt của Ủy hội Quốc tế sông Mê Kông.
Các tác động của vận hành thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông đã được nghiên cứu lượng hóa chỉ ra khá đầy đủ và tin cậy trong các nghiên cứu của Bộ khoa học - Công nghệ, của MRC và ICEM. Những thay đổi dòng chảy như vừa qua được xem là những trạng thái bình thường mới vào mùa khô hằng năm đã được dự báo, vì vậy không có gì đáng lo ngại.
Tóm lại, với mọi chuyện tác động đến dòng chảy ở ĐBSCL (cả tốt hay xấu), chúng ta đều phải chủ động đối phó. Trong quy hoạch ĐBSCL, những vấn đề như giảm dòng chảy mùa lũ, tăng dòng chảy mùa kiệt, giảm phù sa, bùn cát đều phải được nghiên cứu và đề cập. Vấn đề lớn nhất cần đối phó là các hồ chứa thủy điện thượng nguồn (Trung Quốc) trong tương lai gần sẽ giảm "thủy điện" mà gia tăng "thủy lợi" bằng việc chuyển nước khỏi lưu vực sông Mê Kông, lúc đó không còn là việc gia tăng nguồn nước trong mùa kiệt.
Bình luận (0)