Thất diệp nhất hoa (tên khoa học Paris Polyphylla Smith) là cây thuốc rất quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Loài cây này chỉ còn hiện diện ở một vài khu rừng nguyên sinh, vùng núi cao các tỉnh: Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An…
Trồng thử nghiệm thành công
Thất diệp nhất hoa đang suy giảm mạnh do có chu kỳ sinh trưởng chậm, tỉ lệ nảy mầm của hạt trong điều kiện tự nhiên không cao. Mặt khác, do bán được giá cao (1,8 - 2 triệu đồng/kg củ) nên người dân khai thác nhiều, cộng thêm nạn phá rừng làm thu hẹp môi trường sống khiến loài cây này đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã tiến hành trồng thử nghiệm thất diệp nhất hoa ở Vườn Quốc gia Pù Mát và Vườn Quốc gia Hoàng Liên với 4.500 m² vườn giống gốc, 2.000 m² vườn nhân giống, 7 ha vườn sản xuất cây dược liệu dưới tán rừng. Hiệu quả ban đầu về khả năng phát triển thất diệp nhất hoa số lượng lớn cũng như đầu tư phát triển kinh tế rất rõ.
PGS-TS Nguyễn Thượng Dong, nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu, cho biết thất diệp nhất hoa là loài dược liệu quý. Loại cây này cần được nghiên cứu, phát triển để có được sản phẩm cuối cùng phục vụ đời sống, sức khỏe con người và phát triển kinh tế.
Cây thất diệp nhất hoa Ảnh: OANH NGUYỄN
Theo đại diện Trung tâm Ứng dụng phát triển KH-CN tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2017, trung tâm đã trồng thử nghiệm 1.000 cây giống, 4.000 chồi mầm và gieo 6 kg hạt thất diệp nhất hoa tại vườn ươm, vườn nhân giống để xây dựng mô hình sản xuất cây giống với quy mô 50.000 cây/năm. Trung tâm đã chuyển giao công nghệ và xây dựng được 3 mô hình vườn trồng cây dược liệu này dưới tán rừng với quy mô 5 ha tại vùng núi cao Mẫu Sơn ở 2 huyện Cao Lộc, Lộc Bình. Đến nay, 5.780 cây đã được 3 năm tuổi, 10.000 cây 1 năm tuổi. Kiểm tra hằng năm cho thấy những cây này đều sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng phát triển KH-CN tỉnh Lạng Sơn, cho rằng để giải bài toán suy kiệt nguồn dược liệu, cần nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế sản phẩm từ thất diệp nhất hoa. Bên cạnh đó, cần xây dựng các mô hình lưu giữ cây giống gốc, nghiên cứu phương pháp tăng năng suất, từ đó từng bước phổ biến cho người dân các khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.
"Có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu"
So với các cây trồng khác, thất diệp nhất hoa luôn có đầu ra ổn định, cây trồng càng lâu năm thì càng có giá trị. Vì vậy, phát triển vùng trồng thất diệp nhất hoa sẽ góp phần cung cấp nguyên liệu để sản xuất dược phẩm, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân trong nước, hướng đến xuất khẩu. Đây cũng là cách giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Do thất diệp nhất hoa có giá trị cao trong việc phòng và trị bệnh nên nhu cầu sử dụng loại cây này làm thuốc ngày càng cao. Hiện nay, mỗi ký thân, rễ thất diệp nhất hoa có giá khoảng 2,5 triệu đồng. Với diện tích 1 ha, người trồng có khả năng kiếm được thu nhập hàng tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - cho biết: "Tôi đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật, giống cây thất diệp nhất hoa cho người dân. Trước mắt, 9 hộ ở xã Tây Sơn đã đăng ký trồng thử nghiệm loại cây này với diện tích 7 ha. Chúng tôi tin rằng thất diệp nhất hoa sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, thậm chí giúp người dân xã Tây Sơn làm giàu".
Củ thất diệp nhất hoa Ảnh: OANH NGUYỄN
Tại xã Tây Sơn, ông Vừ Vả Nù ở bản Huồi Giảng 2 giới thiệu với chúng tôi vườn thất diệp nhất hoa của mình. Ông hào hứng khoe: "Có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thương lái vào tận vườn mua".
Gia đình anh Vừ Bá Tủa, ở cùng bản Huồi Giảng 2, trồng được 1.000 gốc thất diệp nhất hoa và dự định tiếp tục trồng thêm 5.000 gốc. "Nhà tôi có gần 4.000 m2 đất vườn, phải trồng thêm 5.000 gốc thất diệp nhất hoa mới hết đất. Loài cây này không tốn tiền phân, trồng khoảng 5 năm là thu hoạch được" - anh phấn khởi...
Trên đây là những mô hình tiên phong trong việc phát triển thất diệp nhất hoa - loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Những mô hình này vừa giúp giải quyết vấn đề suy kiệt nguồn dược liệu trong tự nhiên vừa tạo cơ hội để người dân có hướng đi mới trong việc chọn cây trồng giá trị cao nhằm phát triển kinh tế, nhất là ở vùng núi còn nhiều khó khăn.
Thất diệp nhất hoa là loài thân thảo, sống được nhiều năm, cao 0,5 - 0,7 m. Thân, rễ thất diệp nhất hoa to, mọc bò ngang, chia nhiều đốt, có những ngấn ngang và sẹo. Thất diệp nhất hoa có thân khí sinh mọc đứng, không phân nhánh, màu lục hoặc tím tía, mang một tầng lá mọc vòng, có cuống dài. Cụm hoa mọc đơn độc ở ngọn thân, cuống cụm hoa dài bằng hoặc ngắn hơn lá. Cây có quả mọng, hình tháp tròn, có cạnh, màu tím đen khi chín; hạt to màu vàng. Thất diệp nhất hoa là loài cây ưa ẩm, ưa bóng râm.
Trong dân gian, thất diệp nhất hoa được sử dụng làm thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc khi bị rắn độc cắn; trị sốt rét, ho lao, ho lâu ngày, hen suyễn, mụn nhọt. Theo y dược hiện đại, dược liệu từ loài cây này có hoạt tính dược lý tốt đối với nhiều loại bệnh: ung thư, Alzheimer, nấm, nhiễm khuẩn, kích thích miễn dịch...
Bình luận (0)