Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi về xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nơi nổi danh với giống cam Xã Đoài đặc biệt thơm ngon.
"Cam tiến vua"
Cam Xã Đoài là sản phẩm nằm trong chỉ dẫn địa lý cam Vinh nhưng đây là giống cam đặc biệt chỉ có ở Nghi Diên (tên nôm là Xã Đoài). Theo tìm hiểu của chúng tôi, cam Xã Đoài du nhập Việt Nam khoảng 150 năm trước theo chân một giáo sĩ người Pháp đến xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An truyền đạo. Do phù hợp với thổ nhưỡng nên giống cam này được rất nhiều người dân ở Nghi Diên trồng.
Ông Phan Công Hưởng - trú xóm 8, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc - cho biết: "Cam Xã Đoài thường ra hoa vào tiết lập xuân và bắt đầu chín vào tháng 11, tháng chạp. Cam Xã Đoài có đặc điểm vỏ mịn, mỏng đều và có mùi thơm dịu. Ruột cam vàng óng ánh, vị ngọt, thanh, khó thấy ở giống cam khác. Khi cắt, cam có màu vàng óng, nước chảy ra như mật ong".
Nhờ trồng cây cam mà đời sống người dân nhiều nơi ở Nghệ An khá hẳn lên
Đặc biệt, loại cam thơm ngon nổi tiếng này vinh dự được ghi vào đại từ điển Pháp, xuất hiện trong thành ngữ nước bạn Lào: "Cam Xã Đoài, xoài Thà - Khẹc".
Ngoài ra, loại cam quý này còn đi vào văn chương Việt Nam qua bài thơ "Mùa cam" của nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Cam Xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong".
Cam Xã Đoài trồng tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An từ lâu được gắn mác "cam tiến Vua" nên được nhiều người dân tìm mua vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi ký cam có giá khoảng 200.000 đồng. "Có năm giá lên 80.000-100.000 đồng/quả, không có hàng mà bán" - ông Phan Công Hưởng cho biết.
Giúp làm giàu
Thập niên 1960, cây cam được trồng nhiều tại các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ... hình thành thương hiệu "cam Vinh". Hiện nay, vùng trồng cam Vinh tại Nghệ An đã mở rộng sang nhiều huyện: Nghĩa Đàn; Con Cuông; Yên Thành; Thanh Chương...; hình thành một số vùng sản xuất cam hàng hóa như: huyện Yên Thành, Thanh Chương, Con Cuông, Quỳ Hợp…
Ông Nguyễn Văn Hùng, trú xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, nói: "Những ngày gần Tết này, cam Vinh bán rất được giá, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nhờ trồng cam mà đời sống của người dân chúng tôi khá giả hẳn lên".
Hiện sản phẩm cam Vinh có mặt tại nhiều cửa hàng, hệ thống siêu thị trên cả nước
Xã Đồng Thành, huyện Yên Thành là một trong những nơi có diện tích trồng cam Vinh lớn tại Nghệ An. Nhờ cây cam mà kinh tế của địa phương này phát triển nhanh trong những năm gần đây. Ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đồng Thành - cho biết: "Cây cam được trồng ở xã này cách đây khoảng 15-17 năm; hiện tại, diện tích trồng chừng 135 ha. Đây là cây kinh tế mũi nhọn của xã, nhờ trồng cam mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu trên đất quê hương".
Ông Trịnh Xuân Giáo - chủ trang trại cam Thiên Sơn, người đang trồng 90 ha cây cam ở các huyện Yên Thành, Con Cuông (tỉnh Nghệ An) - tự tin: "Cây cam của đơn vị được trồng theo quy trình VietGAP và đạt chứng chỉ GlobalGAP. Hiện tại, cam của đơn vị không chỉ bán trong nước mà còn bán sang những thị trường "khó tính" như Nhật Bản. Sắp tới, đơn vị có kế hoạch đưa đặc sản cam Vinh sang thị trường châu Âu".
Hiện nay, 100% diện tích cam Vinh trồng tại Nghệ An đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện triển khai các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm theo quy định như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký cam kết an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt... hỗ trợ chứng nhận vùng trồng, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, cơ bản sản phẩm cam Vinh tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tổng diện tích cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 4.735 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm ước đạt 3.450 ha, sản lượng cam thu hoạch năm 2021 ước đạt 60.000 tấn. Cam Vinh đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực và là sản phẩm đặc sản của tỉnh này; giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết tỉnh sẽ có kế hoạch phát triển thương hiệu cam Vinh cả thị trường trong nước và quốc tế. Còn theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chất lượng cam Vinh đã được khẳng định trên thị trường; vì vậy, cần phát triển cây cam trở thành cây trồng chủ lực, trở thành cây thương hiệu của tỉnh Nghệ An, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Để phát triển cây cam Vinh, tỉnh Nghệ An đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất cam áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Diện tích cam được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP toàn tỉnh ước đạt trên 150 ha.
Bình luận (0)