Nhóm lặn tự do Đà Nẵng Free Diving do ông Đào Đặng Công Trung (SN 1980, ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) lập nên gồm hơn 40 người. Mỗi tháng một lần nhóm sẽ lặn nhặt rác tại các khu vực khác nhau của bán đảo Sơn Trà. Mục đích của họ ngoài làm sạch vùng biển để bảo vệ san hô, còn muốn được lan tỏa tinh thần yêu biển, bảo vệ môi trường.
Trước khi xuống biển, cả nhóm được ông Trung phân công, hướng dẫn về kỹ thuật lặn biển, nhặt rác. Trưởng nhóm có hơn 10 năm kinh nghiệm nhặt rác dưới biển nên vô cùng cẩn thận khi tiếp cận với các rạn san hô. Ông Trung dặn dò mọi người nhất định không được làm ảnh hưởng đến san hô trong quá trình nhặt rác.
Ông Đào Đặng Công Trung hướng dẫn các thành viên nhóm lặn tự do Đà Nẵng Free Diving nhặt rác ở dưới biển
Hơn 40 người cùng phân công việc, ai chưa sành lặn có thể chèo thuyền để đưa rác về bờ. Lưới và dây thừng mắc vào rạn san hô được các thành viên trong nhóm cẩn thận gỡ ra. Họ lặn, ngụp khoảng 2 giờ ở bãi Nam để đưa lên bờ hơn 200 kg rác thải, chủ yếu là lưới và dây thừng. Sau khi đưa lên bờ, toàn bộ rác thải được nhân viên Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đưa về nơi tập kết để xử lý.
Ông Trung cho biết nhóm Đà Nẵng Free Diving vừa mới được ông cùng vận động viên Nguyễn Thị Trà My (SN 1996, ngụ quận Sơn Trà) sáng lập vào tháng 6. "Từ học bơi, học lặn, chúng tôi mong muốn đem những kỹ năng của mình để làm sạch biển, bảo vệ các rạn san hô ở vùng biển Đà Nẵng" - ông Trung nói.
Hầu hết các thành viên trong nhóm sau khi hoàn thành buổi lặn nhặt rác đều nhận xét san hô ở bãi Nam rất đẹp nhưng cần được bảo vệ tốt hơn. Nước biển ở khu vực này cũng bị ô nhiễm do các hoạt động du lịch tự phát. Bà Rally Lee (quốc tịch Hàn Quốc - là giáo viên một trường quốc tế tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho rằng san hô ở đây đẹp hơn nhiều so với những nơi khác. "Tôi rất buồn vì thấy san hô ở đây cũng chết nhiều. Tôi mong muốn chung tay cùng với người dân địa phương nhặt rác nhằm bảo vệ san hô càng nhiều càng tốt" - bà Rally Lee bày tỏ.
Họ ngụp lặn ở bãi Nam để “giải cứu” san hô
Ông Trung cho hay rạn san hô ở bãi Nam là một trong những rạn lớn ở vùng biển Đà Nẵng. Khu vực này san hô là một vỉa rất lớn kéo dài khoảng 700 m. Đa phần san hô ở những khu vực cạn bị gãy do hoạt động khai thác du lịch và tàu bè đánh cá của ngư dân. Khu vực xa bờ san hô rất đẹp với tổng cộng hơn 50 loài, đa phần là san hô cứng.
Theo ông Trung, san hô phục hồi rất chậm. Muốn phục hồi cần hội tụ nhiều yếu tố trong đó có việc nuôi cấy. Hiện ở Đà Nẵng có một nhóm tình nguyện cũng đang thực hiện việc nuôi cấy san hô. Nếu nước biển sạch, không có nhiều tác động của thiên tai thì san hô sẽ phục hồi trong 5 năm.
Ông Trung đề xuất ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt để bảo vệ san hô bởi đây là tài nguyên quý, là "rừng nguyên sinh" dưới nước mà không phải nơi nào cũng có.
Bà Dương Thị Xuân Liễu, Trưởng Phòng Quản lý và khai thác du lịch Sơn Trà thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho hay hoạt động lặn nhặt rác của nhóm Đà Nẵng Free Diving rất có ý nghĩa đối với việc bảo vệ san hô ở bãi Nam. Thời gian qua, Ban Quản lý cùng các câu lạc bộ ở TP Đà Nẵng thường xuyên tổ chức dọn rác, làm sạch san hô. Sau hoạt động nhặt rác lần này, bà Liễu cho hay Ban Quản lý sẽ tiếp tục cùng với nhóm Đà Nẵng Free Diving tổ chức các buổi tương tự nhằm làm sạch các rạn san hô, bảo vệ tài nguyên quý ở bán đảo Sơn Trà.
Bình luận (0)