Cuộc sống gắn liền với cây nấm, anh Đào Duy Linh (SN 1987; ngụ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - Giám đốc Công ty CP Nấm Linh Chi Quảng Nam - còn được biết đến với tên Linh "nấm". Anh là người đầu tiên ở Quảng Nam bảo tồn được nguồn gien nấm lim rừng tự nhiên và tạo ra các sản phẩm như trà, cà phê từ nấm lim xanh (còn được gọi là nấm linh chi) - một loại dược liệu quý mà thiên nhiên ban tặng cho xứ Quảng.
Cơ duyên với nấm lim
Trước đây, Linh làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP Đà Nẵng nhưng thấy sức khỏe bị ảnh hưởng do ngồi máy tính nhiều nên anh đã quyết định quay về quê ở TP Tam Kỳ, chọn nghề khác phù hợp hơn.
Năm 2009, Quảng Nam rộ lên "cơn sốt" nấm lim xanh bởi có nhiều thông tin loại dược liệu này có thể hỗ trợ chữa khỏi các căn bệnh nan y như ung thư. Thời điểm đó, Linh cũng gặp vấn đề về gan nên mua nấm về dùng một thời gian thì thấy hiệu quả. Khá trùng hợp, khi đó, một người bạn lập công ty thu mua nấm, nhờ Linh chạy quảng cáo trên internet vì anh rành công nghệ. Thay vì lấy tiền, hằng tháng, anh lấy nấm về dùng. Thấy bản thân dùng có hiệu quả, sức khỏe được cải thiện nên anh mày mò tìm hiểu.
Nấm lim xanh được thuần chủng, trồng trên các cây gỗ tạp, cho chất lượng không thua kém nhiều so với nấm rừng
Từ năm 2011, Linh bắt đầu hành trình khởi nghiệp với cây nấm. Anh trực tiếp đi hái nấm tại những khu rừng sâu ở các huyện miền núi và đặt mua của người dân, đưa về đóng gói để bán lại. Nhiều khách hàng dùng nấm thấy có hiệu quả, quay lại ủng hộ, càng thôi thúc anh có thêm niềm đam mê với cây nấm.
Năm 2013, Linh thành lập hẳn công ty. Tuy nhiên, không phải khi nào công việc cũng suôn sẻ. Do chưa có kinh nghiệm trong đóng gói, bảo quản, nhiều sản phẩm anh mua về bị hư hỏng phải đổ bỏ, gây thiệt hại nặng. Linh quyết định đầu tư máy móc để sấy nấm, chăm chút mẫu mã, bao bì, nhãn mác, đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm để tự tin tiếp cận những khách hàng mới. Từ đó, anh có lượng khách hàng ổn định, công ty ngày càng phát triển.
"Mình làm, vừa bán vừa cho gia đình dùng và cảm thấy rất tốt cho sức khỏe. Chính điều đó đã thôi thúc mình theo đuổi công việc" - anh Linh tâm sự.
Từ khoảng năm 2016, nhiều người biết đến giá trị của loài nấm lim xanh nên thương lái bắt đầu thu mua với giá cao. Thấy vậy, người dân đổ xô lên rừng tìm nấm về bán. Họ không phân biệt nấm đủ tuổi hay chưa, lớn hay nhỏ, cứ thấy nhú khỏi mặt đất là nhổ hết. Việc khai thác tràn lan, tự phát khiến nguồn nấm trong tự nhiên có xu hướng bị tận diệt, ảnh hưởng sinh kế của người dân bản địa và nguồn tài nguyên rừng.
Nấm lim xanh mọc trong tự nhiên sẽ tuyệt chủng nếu bị khai thác tận diệt như hiện nay
Chứng kiến cảnh đó, Linh lo ngại trong tương lai không xa, các chủng nấm lim quý sẽ bị tận diệt dẫn đến tuyệt chủng. Anh trăn trở về điều này, tìm hướng nghiên cứu phân lập, nhân giống để bảo tồn, phát triển nguồn gien cho loài nấm lim xanh quý hiếm.
Thành công bước đầu
Khi chưa biết bắt đầu từ đâu, Đào Duy Linh nghe được thông tin Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Hợp tác quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ sẽ chú trọng những ý tưởng, mô hình hướng đến mục tiêu nâng cao sinh kế cho người dân, qua đó hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác tài nguyên rừng bừa bãi. Từ đó, anh mạnh dạn trình bày ý tưởng và kế hoạch của doanh nghiệp về phát triển chuỗi giá trị nấm linh chi Quảng Nam gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho người dân vùng nông thôn miền núi, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ cuối năm 2018, Dự án Trường Sơn Xanh của USAID đã hỗ trợ công ty anh Linh thực hiện việc phân lập, bảo tồn gien, nhân giống nấm lim xanh và mở rộng mô hình trồng chủng nấm lim xanh Quảng Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 5,4 tỉ đồng.
Linh đã phối hợp với giáo sư Shoji Ohga - chuyên gia về nấm linh chi tại Đại học Kyushu (Nhật Bản) - để chuyển giao công nghệ ươm tạo và nuôi trồng nấm lim xanh. Sau thời gian triển khai nghiên cứu, với sự hỗ trợ của giáo sư Shoji Ohga, công ty của anh đã phân lập, bảo tồn gien và nhân giống nấm lim xanh thành công.
Anh Đào Duy Linh (bên trái) và giáo sư Shoji Ohga vui mừng khi phân lập, bảo tồn gien và nhân giống nấm lim xanh thành công
Giống nấm lim xanh thuần chủng được trồng trên các thân gỗ tạp ở trại nấm của Linh cho ra những cây nấm có chất lượng không thua kém gì nhiều so với nấm rừng tự nhiên. Anh cũng tiến hành thử nghiệm cấy giống nấm lim thuần chủng vào những cây lim chết trong rừng và thu về các cây nấm có chất lượng tương đương nấm rừng.
Có nguồn nguyên liệu dồi dào, Linh trăn trở làm sao có thể tạo ra được nhiều sản phẩm từ nấm lim xanh để nhiều người có thể sử dụng chứ không chỉ là nấm thô, nấm xắt lát như lâu nay. Nghĩ là làm, anh mày mò nghiên cứu, tạo ra 2 sản phẩm gồm cà phê hòa tan và trà hòa tan từ nấm lim xanh. Điều đáng tiếc là khi sản phẩm vừa ra mắt cũng là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên anh chưa thể đẩy mạnh việc quảng bá để đưa sản phẩm của mình đến nhiều hơn với người tiêu dùng.
Linh cho biết: "Thời điểm này, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm cũng như nghiên cứu tạo ra các sản phẩm khác từ nấm lim xanh. Khi dịch bệnh được khống chế, thời cơ chín muồi, chúng tôi sẽ đẩy ra thị trường". Anh bày tỏ mong muốn đưa các sản phẩm từ nấm lim xanh đến với không chỉ người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu để nhiều người có thể biết đến, công nhận và sử dụng.
Thay đổi nhận thức người dân
Theo Đào Duy Linh, sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh không chỉ mang lại những kết quả tích cực cho công ty của anh mà còn cả cộng đồng người dân trong vùng dự án. Đã có 2 mô hình khai thác nấm bền vững trong tự nhiên và 17 mô hình trồng nấm được xây dựng với hơn 500 người được hưởng lợi tại 5 huyện miền núi Quảng Nam. Mô hình mang lại nguồn thu nhập tăng thêm ổn định cho những hộ dân sống gần rừng.
"Điều thành công nhất là dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân sống gần rừng, giúp họ biết đến lợi ích của tài nguyên thiên nhiên như cây nấm, từ đó có trách nhiệm bảo vệ rừng hơn, giúp họ có thêm sinh kế nhờ việc trồng và khai thác nấm bền vững" - anh chia sẻ.
Bình luận (0)